UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt thêm danh mục 25 biệt thự cũ trên địa bàn. Như vậy, đến nay TP Hồ Chí Minh đã phân loại 595 biệt thự cũ, trong đó có 64 biệt thự nhóm 1; 249 nhóm 2 và 282 nhóm 3.
Phê duyệt thêm danh mục 25 biệt thự cũ
Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phân loại thêm 25 biệt thự cũ trên địa bàn, được phân thành 3 nhóm chính, mỗi nhóm có những quy định và yêu cầu bảo tồn khác nhau.
Nhóm 1, bao gồm những biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc và lịch sử. Đối với nhóm này, yêu cầu bảo tồn nghiêm ngặt nhất, đòi hỏi phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Bao gồm nhà số 224A – 224B, đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3.
Nhóm 2, những biệt thự thuộc nhóm này cũng có giá trị cao, nhưng yêu cầu bảo tồn có phần linh hoạt hơn. Chủ yếu tập trung vào việc giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Gồm nhà số 17 Tú Xương, phường Võ Thị Sáu, Quận 3; nhà số 179 đường Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3; nhà số 262ABC, đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3.
Nhóm 3, đối với nhóm này, việc bảo tồn và cải tạo sẽ thực hiện theo các quy định chung của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng. Gồm các nhà số 70, 72 và 90, đường Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, Quận 1; các nhà số 2/8 và 2/32, đường Cao Thắng, Phường 5, Quận 3; các nhà số 182 và 299, đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3; nhà số 45, đường Lê Qúy Đôn, phường Võ Thị Sáu, Quận 3; nhà số 151, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, quận Bình Thạnh; nhà số 155, đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận…
Cùng với đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc danh mục nêu trên có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ được quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 99/2015/NĐ- CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Nhà ở năm 2014.
Những thách thức trong quá trình bảo tồn các biệt thự cổ
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã phân loại 595 biệt thự cũ, trong đó có 64 biệt thự nhóm 1; 249 nhóm 2 và 282 nhóm 3. Biệt thự cũ chủ yếu nằm ở Quận 1 và Quận 3. Đây được xem là việc làm quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị kiến trúc và lịch sử của TP, góp phần duy trì bản sắc văn hóa đô thị. Và là một trong những khung pháp lý rõ ràng cho việc quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là đối với những biệt thự cũ có giá trị lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch của TP.
Theo các chuyên gia bảo tồn di sản kiến trúc, trong thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng trong bảo tồn các biệt thự cũ. Nhưng quá trình thực thi cũng đặt ra nhiều thách thức cho TP Hồ Chí Minh trong quá trình bảo tồn các biệt thự cũ, như: nguồn lực tài chính, việc bảo tồn và tu bổ các biệt thự cũ đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn; xung đột lợi ích, có thể sẽ có những xung đột giữa mục tiêu bảo tồn và nhu cầu phát triển, đặc biệt là từ phía các chủ sở hữu tư nhân muốn khai thác giá trị thương mại của bất động sản; kỹ thuật bảo tồn, việc duy trì và phục hồi các công trình cổ đòi hỏi kỹ thuật và chuyên môn cao, không phải lúc nào cũng sẵn có.
Liên quan đến quá trình bảo tồn các biệt thự cũ, TS-KTS Đặng Thanh Hưng, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần chú ý đến quyền lợi của chủ sở hữu biệt thự thông qua các chính sách ưu đãi. Có thể cho phép họ kinh doanh các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, và sử dụng thu nhập để phục hồi di sản, miễn là họ tuân thủ nguyên tắc bảo tồn. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức kinh doanh.
“Người dân có quan điểm riêng và tài sản thuộc về họ. Chính quyền cần đứng từ góc độ của người dân để hiểu rõ và cân bằng lợi ích giữa việc trùng tu và bảo tồn di sản. Trong cơ chế quản lý, cần cho họ thấy rõ lợi ích của mình. Việc xây dựng quy định pháp lý rõ ràng và cụ thể là rất cần thiết.” TS-KTS Đặng Thanh Hưng nhấn mạnh.
Theo Huy Chương (Tieudung.vn)