Nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng cao hơn huy động, do tiền nhàn rỗi đổ vào các kênh sinh lời khác thay vì tiết kiệm.
Trong nhóm quốc doanh, Vietcombank (VCB) có mức chênh lệch giữa tăng trưởng cho vay và huy động lớn nhất. Tín dụng của ngân hàng này đạt gần 8% trong 6 tháng đầu năm, với quy mô cho vay khách hàng tăng thêm gần 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, huy động từ dân cư của VCB giảm gần 2%, còn 1,37 triệu tỷ so với mức 1,4 triệu tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Mức chênh này ở VietinBank (CTG) thấp hơn. Cho vay khách hàng của nhà băng này tăng 6,7%, trong khi huy động vốn thêm chưa tới 4%. BIDV (BID) có mức chênh lệch thấp nhất, nhưng là nhà băng tăng trưởng tín dụng cuối bảng nhóm quốc doanh. Hết quý II, tín dụng và huy động của ngân hàng này đều tăng ở mức 6%.
Ở nhóm nhà băng tư nhân, mức chênh lệch giữa tín dụng và huy động còn lớn hơn. Tăng trưởng tín dụng của nhóm nhà băng tư nhân top đầu như Techcombank, VPBank hay ACB ở ngưỡng trên dưới hai lần so với tốc độ tăng huy động. Như Techcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 13%, trong khi huy động vốn chưa tới 6%. Tỷ lệ này với VPBank là 11,2% và 6,6%, trong đó quy mô cho vay khách hàng của nhà băng này cao hơn huy động vốn khoảng 80.000 tỷ đồng.
LPBank là trường hợp hiếm hoi trong nửa đầu năm nay có tốc độ tăng huy động vượt xa tín dụng, dù tỷ lệ tăng cho vay của nhà băng này đứng đầu hệ thống. Dư nợ cho vay của LPBank tăng 15,2%, trong khi tiền gửi dân cư thêm hơn 21%.
Theo Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), huy động tăng thấp so với tín dụng do người dân có xu hướng rút tiền gửi đi mua vàng, bất động sản và các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn khi nền lãi suất tiền gửi thấp.
Nửa đầu năm nay, vàng – kênh đầu tư mang tính trú ẩn an toàn – lại là kênh có tỷ lệ sinh lời cao nhất. Ở mức đỉnh trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp bình ổn thị trường, mỗi lượng vàng miếng giao dịch trên 92 triệu đồng, tăng gần 25% so với đầu năm. Còn nhẫn 24K cũng quanh 20%. Tỷ lệ này cao gấp ba lần lãi suất gửi tiết kiệm.
Không riêng vàng, các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán cũng có những giai đoạn sôi động. Cơn sốt giá chung cư gần đây khiến nhiều khách hàng rút hầu bao, do sợ thị trường tiếp tục đi lên. VN-Index khởi đầu năm 2024 trên 1.100 điểm, với ba lần thử thách vùng 1.300 điểm vào tháng 4, 6 và 7. Thanh khoản giai đoạn này ở mức cao, với giá trị giao dịch nhiều phiên trên 20.000 tỷ đồng.
Để mở rộng tấm đệm vốn khi tiền gửi từ dân cư có phần hụt hơi so với cho vay, các nhà băng có xu hướng huy động thêm từ nhiều kênh khác, như vay hợp vốn nước ngoài, sử dụng công cụ phát hành giấy tờ có giá, phát hành trái phiếu… Thực tế, việc huy động vốn từ những kênh khác giúp các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động), theo quy định hiện tại là tối đa 85%. Ngoài ra, các nguồn huy động có kỳ hạn dài, như trái phiếu, cũng giúp các nhà băng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động khác, như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 30%, thay vì 34% như trước.
Theo báo cáo của công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, các ngân hàng thương mại áp đảo thị trường trái phiếu sơ cấp với giá trị phát hành trong tháng 7 đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Mức này chiếm tới 87% tổng giá trị thị trường, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 7, các ngân hàng đã phát hành khoảng 168.680 tỷ đồng trái phiếu, theo dữ liệu của FiinRatings và đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating.
Các nhà băng có lượng phát hành trái phiếu lớn như MBBank với 10.000 tỷ đồng, Vietinbank là 5.000 tỷ và SHB 3.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng cũng tiếp tục đóng vai trò chính trong hoạt động mua lại trái phiếu tháng qua, chiếm 90% giá trị của tổng quy mô gần 32.100 tỷ đồng.
“Mỗi ngân hàng có chiến lược huy động khác nhau do cơ cấu nguồn vốn khác nhau”, Lê Thu Uyên, chuyên viên phân tích mảng ngân hàng của VPBankS nhận xét.
Đánh giá về triển vọng cuối năm, chuyên gia từ VPBankS cho rằng tăng trưởng huy động sẽ tích cực hơn, khi nền lãi suất đang tăng dần trở lại, thị trường vàng bị siết chặt, thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn quan sát do luật vừa có hiệu lực đi kèm với việc thị trường chứng khoán ảm đạm.
Thực tế, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5% một năm, hiện lên 6,2% một năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều hơn gấp đôi, từ 12 lên 29 đơn vị.
Minh Sơn