‘Loạn’ số nhà, tên đường – Bài 1: ‘Ma trận’ số nhà

Một con hẻm ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) dù đổi số mới nhưng vẫn là số nhà “siêu xuyệt” dài lê thê. Ảnh: Thành Luân.

Xen kẽ ở nhiều tuyến phố, con đường lớn ở TPHCM là những con hẻm nhỏ siêu xuyệt/sẹc, đủ mọi ngóc ngách khiến người đi đường toát mồ hôi, nhiều lúc tìm một số nhà mà cảm giác như rơi vào “ma trận”…

Loạn số nhà, tên đường – Bài 1: Ma trận số nhà - Ảnh 2.

Một căn nhà có 5 xuyệt ở đường Bùi Tư Toàn, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Đoàn Xá.

Xe cấp cứu “chào thua”!

Nằm phía sau những tòa chung cư hiện đại và cao vút, con hẻm nhỏ dẫn vào đường Bùi Tư Toàn (phường An Lạc, Bình Tân, TPHCM) đập vào mắt người đi đường là những biển số nhà rất độc, lạ, dài lê thê. Bà Nguyễn Thị Trâm (66 tuổi) – một người bán trái cây dạo ở đây cho biết, số nhà ở khu vực này rất dài, có căn tới 4 – 5 xuyệt.

“Trước kia tôi ở phường Tân Tạo nhưng hơn một năm trước chuyển sang thuê trọ ở đây. Gia đình tôi ở từ đó đến nay mà vẫn chưa nhớ nổi số nhà của mình. Nó dài lê thê gạch chéo nhớ không nổi, mỗi lần cung cấp thông tin cho ai đó tôi đều phải xem lại” – bà Trâm chia sẻ.

Cũng theo bà Trâm, nhiều gia đình hay người thuê trọ ở đây muốn đặt xe Grab, taxi hay gọi xe cấp cứu thì chỉ có một cách duy nhất là chạy ra đầu đường Bùi Tư Toàn cách nhà khoảng 1km. Bất tiện này đã gắn liền với người dân ở đây từ nhiều năm qua nhưng chưa có phương án tháo gỡ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù thực tế khu vực này các con hẻm khá rộng, vừa đủ cho xe ô tô di chuyển, thế nhưng các tài xế công nghệ hay xe cấp cứu vẫn chào thua vì dãy xuyệt quá dài phía sau.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Trâm kể, tháng trước cũng ở khu trọ có cháu nhỏ bị sốt cao, phải gọi xe cấp cứu. Dở khóc dở cười là vì nhà nhiều xuyệt, nhân viên gọi lại hỏi nhiều lần không tới được. Cuối cùng, gia đình đành phải tự đưa bé đến bệnh viện Triều An để cấp cứu ngay trong đêm. Mặc dù đưa đến cấp cứu muộn nhưng cũng may là không có điều gì xấu xảy ra.

Con đường Bùi Tư Toàn gắn liền với những hẻm nhỏ “siêu xuyệt” không phải là trường hợp ngoại lệ, tình trạng số nhà có từ 5 xuyệt trở lên còn tồn tại ở nhiều khu vực quận, huyện, như quận 12, Tân Phú, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức,…Có những nơi như khu vực đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) nhiều căn nhà có tới 6 thậm chí là 7 xuyệt. Đây được coi là những căn nhà đạt kỷ lục về số nhà nhiều xuyệt nhất nước và xếp vào danh sách số nhà khó nhớ nhất.

Thông thường, mỗi một hẻm của tuyến đường sẽ được hiển thị bằng xuyệt thêm vào để phân định. Thế nhưng khi đi vào một số con hẻm ở TPHCM, chúng tôi chứng kiến rất nhiều nhà dân có số “siêu xuyệt” mà nói như bà con trong hẻm thì vừa khó nhớ vừa khó tìm.

Loạn số nhà, tên đường – Bài 1: Ma trận số nhà - Ảnh 3.

Những số nhà “siêu xuyệt”. Ảnh: TL.

Ngán ngẩm nhà “siêu xuyệt”

Việc tồn tại những số nhà “siêu xuyệt” không chỉ khiến chủ nhà dở khóc dở cười, từ bác thợ điện, nhân viên công ty cấp thoát nước cho đến anh taxi công nghệ cũng phải “bó tay” về độ khó nhớ và hành trình di chuyển ngoằn ngoèo trong những con hẻm nhỏ, chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau.

Ông Nguyễn Văn Hòa (47 tuổi) – một người chạy Grab ở khu vực đường Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) cho biết, quận này gần như là trung tâm của TPHCM nhưng số nhà rất lộn xộn, khó tìm. “Tôi ở Bình Chánh nhưng chạy xe ở đây gần chục năm rồi, tường tận từng góc phố, tên nhà nên mới bám trụ được chứ nhiều Grab từ nơi khác mà chở khách đến đây tìm nhà đều “chào thua”. Ngay cả trên ứng dụng định vị của Grab có sẵn địa điểm để tài xế định hướng nhưng họ vẫn thường xuyên bị lạc giữa “ma trận” số nhà.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, mặc dù một số con đường lớn ở quận trung tâm TPHCM nhưng tình trạng đánh số nhà vẫn khá lộn xộn, không theo quy tắc nào, nhất là tại các con hẻm nhỏ nhiều xuyệt. Nhiều căn nhà nằm kề nhau nhưng số nhà lại cách xa nhau. Thậm chí, có nhiều số nhà ở cùng một bên đường nhưng vừa đánh số chẵn vừa đánh số lẻ khiến người tìm đường như lạc vào “ma trận”.

Đặc biệt có tình trạng “độc nhất vô nhị” là nhà nằm ở mặt tiền đường lớn nhưng số nhà lại có xuyệt (về logic là nhà trong hẻm – PV). Tình trạng này khá phổ biến ở khu vực quận 12, điển hình như các tuyến đường Trường Chinh, Phan Văn Hớn… có hàng trăm căn đánh số như vậy.

Anh Nguyễn Văn Huy (34 tuổi) – người dân trú tại phường Tân Thới Nhất (quận 12) cho biết, năm ngoái anh có thuê mặt bằng kinh doanh ở đường Phan Văn Hớn. “Nhìn bên ngoài thì mặt bằng khá đẹp, đường lớn hai chiều, có vỉa hè rộng. Nhà khang trang kiên cố và giá thuê cũng mềm nên tôi đã quyết định thỏa thuận ký hợp đồng. Sau đó xem sổ hồng căn nhà thì thấy nhà có xuyệt. Chủ nhà giải thích, do trước kia nhà hiển thị trong hẻm nhưng hiện nay mở rộng và chưa kịp đổi biển số nhà mới thành ra vậy”.

Loạn số nhà, tên đường – Bài 1: Ma trận số nhà - Ảnh 4.

Cũng theo anh Huy, việc mặt bằng kinh doanh có xuyệt khiến quá trình giao nhận đơn hàng của anh gặp nhiều chuyện “dở khóc dở cười”. Chẳng hạn, tài xế đến giao hàng dù đứng ngay trước cửa tiệm nhưng vẫn gọi điện yêu cầu xác nhận mới cho ký tên, nhận hàng vì địa chỉ là có xuyệt.

Trường hợp khác, bà Trần Thái Hằng – trú phường Phước Long B (TP Thủ Đức) phản ánh, đến ứng dụng Google Map (bản đồ công nghệ số) cũng “chào thua” mỗi khi tra cứu một vài số nhà trên đường Dương Đình Hội, phường Phước Long B. Con đường này chưa đầy 2km, nhưng cách đánh số nhà không giống ai. Đang gặp dãy số hàng chục, bất ngờ nhảy vọt lên hàng trăm.

Sự khôi hài vẫn chưa hết, trong số những đường nhánh cắt ngang có con đường mang tên 475. Trước đây là con hẻm, nay được “lên đời” thành đường. “Những người nơi khác đến sẽ dễ bị lầm nếu căn cứ vào đó để tìm số nhà. Thực ra đây là số nhà dựa trên thứ tự đánh số của đường Đỗ Xuân Hợp. Khách vãng lai đều phải nhờ người dân tại đây hướng dẫn thì mới đến đúng được địa chỉ” – chị Hằng chia sẻ.

Không chỉ nhà dân hoặc mặt bằng kinh doanh, ngay cả địa chỉ của một số cơ quan thuộc quản lý của chính quyền địa phương như Trung tâm Học tập cộng đồng nằm ngay trên mặt tiền đường Phan Văn Hớn nhưng địa chỉ cũng có xuyệt. Tình trạng các căn nhà mặt tiền có địa chỉ giống nhau và buộc phải phân biệt bằng cách đặt thêm A,B,C… cũng là thực trạng khá phổ biến ở TPHCM. Việc đánh số nhà lộn xộn, trong khi vẫn tồn tại các khu vực nhà “siêu xuyệt” đang là câu chuyện không chỉ gây phiền toái cho chính chủ nhà, người tìm đường mà còn khiến các cấp chính quyền TPHCM phải đau đầu tìm giải pháp.

(còn nữa)


Nguồn

Next Post

Mỹ điều tra đợt bùng phát khuẩn E.Coli liên quan cà rốt ở 18 bang

Thu Nov 21 , 2024
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo. Theo CDC, ít nhất 39 trường hợp nhiễm khuẩn E.Coli có liên quan đến cà rốt hữu cơ kể từ đầu tháng 9, trong đó có 1 ca tử vong và 15 người phải nhập viện điều […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU