Đột phá nhờ chính sách vượt trội
Trung Quốc không phải nền kinh tế đi đầu trong mô hình này nhưng lại được nhắc đến như điển hình thành công nhất trong việc phát triển thần tốc các khu thương mại tự do. Từ khu thí điểm thương mại tự do đầu tiên ở Thượng Hải (SHFTZ) thành lập tháng 9.2013, đến nay Trung Quốc đã có 22 khu tương tự. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, SHFTZ đã trở thành mô hình kinh tế đổi mới tiêu biểu, góp phần đưa quy mô kinh tế Thượng Hải ngày càng mở rộng và giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Tính đến cuối năm 2022, có 84.000 doanh nghiệp mới đã được thành lập tại SHFTZ. Riêng khu mới Phố Đông đã thu hút tới 18.691 dự án đầu tư nước ngoài mới, với số vốn đăng ký lũy kế đạt 217,2 tỉ USD. Quy mô thương mại hàng hóa tăng từ 207,6 tỉ USD năm 2013 lên 340,5 tỉ USD vào năm 2022. Một con số choáng ngợp!
Tiếp nối Thượng Hải, đảo Hải Nam đang tiếp tục được chính phủ Trung Quốc dồn lực với kỳ vọng trở thành “liều doping” đột phá cho nền kinh tế sau cú sốc đại dịch Covid-19. Với những chính sách được chính phủ Trung Quốc phê duyệt, khu thương mại miễn thuế được phân bổ gần khắp các điểm du lịch trên đảo. Nơi đây sở hữu các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới với khoảng 800 thương hiệu. Để đột phá du lịch, chính quyền Trung Quốc ban hành loạt chính sách đặc thù, cho phép miễn thị thực cho công dân từ 59 quốc gia tới Hải Nam trong 30 ngày; thúc đẩy bán lẻ miễn thuế bằng cách ưu đãi cho nhà đầu tư về hoạt động thương mại, không hạn chế hạn mức mua sắm miễn thuế đối với khách quốc tế, và đặc biệt cho phép du khách nội địa Trung Quốc mua sắm miễn thuế với hạn mức lên tới 14.700 USD/năm. Ngoài ra, khi đầu tư nghiên cứu về y tế và sức khỏe, sẽ được hưởng ưu đãi tối đa về tiền đất, thuế, chuyên gia nước ngoài…
Với những chính sách này, giá cả tại đây cạnh tranh được trên toàn thế giới. Trong giai đoạn đại dịch hoành hành, với chính sách Zero Covid, gần như du khách quốc tế không tới đảo Hải Nam, số lượng du khách nội địa cũng giảm từ 81,6 triệu xuống 64,3 triệu. Thế nhưng doanh thu du lịch và doanh thu miễn thuế vẫn tăng 30% so với năm trước đại dịch. Đồng thời, GDP của Hải Nam tăng 4,2% và gần gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của Trung Quốc là 2,3%.
Dẫn thêm mô hình phát triển của Thâm Quyến (Trung Quốc), TS Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá: Đây vốn là một làng chài nhỏ nhưng với những chính sách đột phá đã phát triển thành một thành phố hiện đại và là trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Thành công của Thâm Quyến chủ yếu nhờ vào việc thiết lập Đặc khu kinh tế (SEZ) với các chính sách ưu đãi thuế, thủ tục hành chính đơn giản, và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Đà Nẵng có thể học hỏi kinh nghiệm từ Thâm Quyến để thiết lập các khu thương mại tự do với các chính sách ưu đãi về thuế và thủ tục hành chính đơn giản, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Tương tự, Singapore trên con đường trở thành một trong những trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu thế giới cũng nhờ vào chính sách quản lý hiệu quả, hệ thống pháp luật minh bạch và đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và công nghệ; Dubai (UAE) đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc xây dựng các khu vực kinh tế đặc biệt và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và dịch vụ tài chính.
“Với những chính sách vượt trội về thí điểm thành lập khu kinh tế thương mại tự do, cải cách hành chính, đầu tư vào giáo dục và công nghệ, cũng như khuyến khích đầu tư nước ngoài, hy vọng Đà Nẵng có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững, trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực”, TS Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.
Nhà đầu tư kỳ vọng lớn
Khi trao đổi với chúng tôi về khát vọng xây dựng Đà Nẵng trong tương lai như một Thâm Quyến hay Singapore của khu vực, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đều có chung nhận xét quỹ đất tại Đà Nẵng hiện khá khiêm tốn để có thể thu hút đầu tư vào một khu thương mại tự do hoành tráng như mong muốn. Thế nên, nhất quyết phải có cơ chế vượt trội để tận dụng tối đa quỹ đất đã được khai thác, gia tăng giá trị gia tăng, thu hút giới tinh hoa, mở ra dư địa phát triển cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp.
Ông Võ Trọng Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Bold Land, phân tích: Từ năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản tại thành phố này trầm lắng “rất khó chịu”, gọi là giảm theo chu kỳ cũng đúng, ảnh hưởng dịch bệnh cũng không sai. Trong khi đó, tăng trưởng của Đà Nẵng từ xưa đến nay gắn với du lịch, bất động sản, dịch vụ… chứ không phải là sản xuất hay nông nghiệp. Thành phố không còn nhiều quỹ đất để phát triển thêm dự án mới, song các dự án bất động sản đã được nhà đầu tư triển khai, xây dựng khá quy mô, đặc biệt bất động sản cao cấp rất cần có cơ chế khuyến khích khác biệt, vượt trội để thu hút nhà đầu tư.
“Cơ chế đặc thù liên quan đến phát triển công nghệ cao, bán dẫn… trong Nghị quyết thí điểm cho Đà Nẵng sẽ sớm thúc đẩy thị trường bất động sản cao cấp phục hồi. Rồi việc phát triển thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng, kết nối với cảng Liên Chiểu hình thành trong tương lai; việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, cũng như thực tế nhu cầu về đất ở ngày càng tăng nhanh do quá trình di dân cơ học và đô thị hóa tại Đà Nẵng sẽ là cơ sở để tin rằng thị trường sẽ sớm hồi phục”, ông Phụng chia sẻ.
TS khoa học – kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết cá nhân ông từng tham vấn ý kiến trong quy hoạch đô thị tại Đà Nẵng, tham gia góp ý với đơn vị tư vấn Singapore trong quá trình làm đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Đà Nẵng và mới đây là kế hoạch lấn biển để làm khu thương mại tự do.
“Đà Nẵng là trung tâm đô thị tại miền Trung, tiềm năng để phát triển rất lớn. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, phát triển của thành phố đã chững lại rất rõ rệt, ngay lãnh đạo cao cấp của thành phố cũng nhìn thấy rõ. Thế nên, một cơ chế mới, đặc thù để thay đổi diện mạo thành phố là cần thiết. Do quỹ đất cạn kiệt, Đà Nẵng nên hình thành chuỗi đô thị trung tâm và kết nối bằng giao thông công cộng. Chuỗi đô thị trung tâm của thành phố kết hợp với nhà cao tầng và khu công viên cây xanh, biệt thự… Đặc biệt, nhìn tầm phát triển kết nối vùng, vào Quảng Nam, ra Thừa Thiên-Huế để phát triển có quy mô và tầm vóc hơn. Chẳng hạn, lợi thế sân bay quốc tế, cảng biển thì thu hút đầu tư, du lịch chất lượng cao thế nào? Hàng hóa sản xuất vẫn có thể kết nối từ các vùng lân cận, không nhất thiết đặt tại Đà Nẵng, dành quỹ đất khiêm tốn đó cho các hoạt động dịch vụ cao cấp khác…”, TS Ngô Viết Nam Sơn nói và nhấn mạnh: Nhà đầu tư chiến lược vẫn nhìn vào đô thị trung tâm miền Trung này với nhiều triển vọng, kỳ vọng lớn lao hơn nhiều. Đây là vùng đất hấp dẫn, nên chính sách cơ chế đặc thù cần thiết phải tháo gỡ những khó khăn mà lâu nay khiến phát triển của thành phố chựng lại. Đơn giản nhất là cơ chế một cửa, cải cách mạnh mẽ, ưu đãi vượt trội…
Việc lập khu thương mại tự do Đà Nẵng cần có thể chế vượt trội
song hành và nhất thiết phải thuê các tập đoàn uy tín nước ngoài từng lập quy hoạch thành công các khu thương mại tự do trên thế giới để xây dựng. Bởi đằng sau họ là các tập đoàn xuyên quốc gia. Từ đó, chúng ta sẽ thu hút được vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì cần có chính sách đột phá về thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư nhanh gọn theo cơ chế một cửa…
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới)