Chia sẻ tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với 200 doanh nhân tiêu biểu sáng nay 4.10, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ủng hộ việc thực hiện 2 siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Song, một thách thức đặt ra là “nguồn vốn” để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hợp lý. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét, có đề án cụ thể thu hút nguồn vốn trong nhân dân.
Theo đó, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. “Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình”, ông Thân nói.
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua công nghệ, thuê chuyên gia…
Lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu ngân sách nhà nước và 60% lao động. Tuy nhiên, đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa (khoảng 30.000 – chiếm 4%).
Để gia tăng số lượng “đàn sếu” của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.
Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp “sếu đầu đàn” và các doanh nghiệp vệ tinh.
Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta có một luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 5 nghị định nhưng thực tế thực hiện chưa như kỳ vọng.
“Cần đánh giá sát thực tế để đưa ra giải pháp. Đặc biệt như ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết là cần có nguồn lực tài chính, ví dụ như bảo lãnh cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về vốn”, bà Hồng nêu.
Cần điểm tựa cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài
Chia sẻ câu chuyện đầu tư ra nước ngoài, thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án, tổng số vốn 1,5 tỉ USD.
Tại các nước đầu tư, Viettel luôn hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt thị trường, trong lĩnh vực viễn thông, Viettel có 7/10 thị trường đã vươn lên số 1, có những thị trường trong vòng 6 tháng đã vươn lên số 1 như thị trường Bungaria, có những thị trường sau 12 năm như Mozambique.
Về thách thức, kinh doanh ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn, nhất là những vùng khó khăn ở châu Phi, Nam Mỹ, hay ở Đông Nam Á. Khi xin phép đầu tư, Viettel luôn khảo sát rất kỹ thị trường trước khi ra quyết định, tuy nhiên không thể lường trước được những xung đột, diễn biến chính trị ở các quốc gia. Cạnh đó là những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ.
“Đầu tiên doanh nghiệp phải có khát vọng, tự tin, tự hào đủ lớn, kinh doanh ra nước ngoài. Phải khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình chính trị, kinh tế, luật pháp tại các nước trước khi đầu tư”, ông Thắng nêu.
Lãnh đạo Viettel cũng mong muốn khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài.
Lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự. Xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm.
Về phía các doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng đề nghị tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…
“Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.