Việc tắt máy tính sau mỗi đêm có những ưu và nhược điểm khi so sánh với việc đưa máy về chế độ ngủ. Hiểu biết về điều này sẽ giúp người dùng đưa ra quyết định phù hợp hơn.
Lý do tắt máy tính
Mặc dù không cần phải tắt máy tính mỗi đêm nhưng có một số lý do chính đáng để thực hiện tắt thường xuyên như dưới đây:
- Giúp máy tính chạy tốt hơn, bởi tắt máy tính sẽ giúp dừng mọi quy trình phần mềm đang hoạt động và xóa bộ nhớ đệm. Hơn nữa, khi bật máy trở lại, quy trình khởi động sẽ bao gồm các bài kiểm tra tự chẩn đoán để đảm bảo mọi thứ đang chạy trơn tru, có thể cảnh báo người dùng về bất kỳ sự cố nào có thể ảnh hưởng đến hiệu suất.
- Giúp giải quyết vấn đề máy tính đang gặp phải, chẳng hạn chậm chạp hoặc kỳ lạ, thông báo lỗi liên tục xuất hiện… Thông thường, một lỗi nhỏ hoặc trục trặc phần mềm sẽ được giải quyết trong quá trình tắt máy và khởi động lại.
- Giảm hao mòn thành phần bởi khi máy tính được bật, các thành phần (chủ yếu là CPU) tỏa nhiệt làm hỏng dần các bộ phận khác. Đó là lý do tại sao hầu hết các máy tính đều có quạt để giữ mọi thứ chạy ở nhiệt độ an toàn. Tắt nó sẽ giúp các thành phần bên trong được làm mát, tăng tuổi thọ cho máy.
- Máy tính sẽ an toàn hơn do khi ở chế độ ngủ, các khóa mã hóa (mật khẩu, tên người dùng…) được lưu trong bộ nhớ và có thể hack được. Mặc dù các hệ thống ngày nay có các biện pháp chống phần mềm độc hại để chống lại điều này nhưng tắt nguồn máy tính sẽ luôn an toàn hơn trước tin tặc trên internet so với ở chế độ ngủ, mặc dù mối quan tâm này chủ yếu xảy ra với các hệ thống kết nối với mạng, đặc biệt là mạng công cộng.
- Tiết kiệm năng lượng bởi khi tắt máy, máy tính và các thành phần khác không lấy điện từ ổ cắm, mặc dù con số có thể không đủ để nhận thấy trên hóa đơn tiền điện. Nếu đang sử dụng laptop, việc tắt máy cũng bảo toàn tuổi thọ pin nếu không được cắm vào nguồn điện.
Lý do sử dụng chế độ ngủ
Trong khi việc tắt máy mỗi đêm có những ưu điểm thì cũng kéo theo một số nhược điểm, vì vậy thật dễ hiểu tại sao nhiều người dùng không thích tắt máy hằng ngày mà chuyển sang chế độ ngủ.
- Tiện lợi hơn bởi máy tính ở chế độ ngủ sẽ giữ nguyên trạng thái hiện tại, cho phép người dùng đăng nhập và mọi công việc như tài liệu đang làm, trình duyệt web, phim Netflix tạm dừng… đều có thể bắt đầu ngay chỉ trong vài giây.
- Hầu hết máy tính vẫn có thể chạy các tác vụ nền khi ở chế độ ngủ, bao gồm cập nhật phần mềm, sao lưu dữ liệu và quét virus. Đặt máy tính ở chế độ ngủ cho phép các tác vụ tự động này thực hiện công việc của chúng vào ban đêm, khiến chúng có ít khả năng làm gián đoạn người dùng vào ban ngày. Tuy nhiên, nhiều tác vụ lớn hơn như cập nhật hệ điều hành không thể thực hiện ở chế độ ngủ.
- Chế độ ngủ sẽ cho phép người dùng truy cập máy tính từ xa, có thể hữu ích cho những việc như sửa chữa hoặc chạy máy chủ web từ xa. Tuy nhiên cần nhớ rằng việc truy cập từ xa vào máy tính đang ngủ sẽ đánh thức nó.
- Mặc dù tiết kiệm năng lượng nhưng lợi ích của chế độ ngủ là rất nhỏ. Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ năng lượng không còn là vấn đề nữa khi người dùng chỉ tốn khoảng 1.000 – 2.000 đồng khi để máy tính ở chế độ ngủ qua đêm.
Tuy người dùng không cần thiết phải tắt máy tính mỗi đêm nhưng thỉnh thoảng làm điều đó vẫn có lợi, cho dù là để bàn hay xách tay, để xóa bộ nhớ RAM, làm mới hệ thống khi bật nguồn và thực hiện các bản cập nhật phần mềm quan trọng. Điều này giúp hệ thống sẽ chạy mượt hơn. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng có thể tắt máy khoảng 2 – 3 lần/tuần.