“Siêu” dự án Cảng Cần Giờ hơn 113.500 tỷ đồng
Văn phòng Chính phủ mới đây ban hành Thông báo số 418/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (tên theo Quy hoạch là Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBND TP.HCM và các Bộ, ngành phối hợp với Bộ KH&ĐT trong quá trình thẩm định Hồ sơ dự án theo quy định tại Luật đầu tư và các Nghị định hướng dẫn liên quan bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, đúng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ KH&ĐT và UBND TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư đề xuất Dự án nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại cuộc họp của các Bộ, cơ quan để bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ đề xuất theo quy định pháp luật, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9/2024.
Được biết, Dự án dự kiến có quy mô 571 ha với tổng chiều dài 7,2 km, có thể đón tàu trọng tải đến 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs), công suất tối đa 16,9 triệu TEUs.
Dự án sẽ được triển khai ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép – Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Dự án Cảng Cần Giờ do liên danh Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn – Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 113.500 tỷ đồng (tương đương hơn 4,5 tỷ USD).
Tiềm lực liên danh thế nào?
Về tiềm lực liên danh này, Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL là thành viên của MSC – hãng tàu biển lớn hàng đầu thế giới. Còn Cảng Sài Gòn là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, MCK: MVN), hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ cảng biển, bốc xếp. Tính đến ngày 30/6/2024, Vinalines đang nắm giữ 65,45% tỷ lệ quyền biểu quyết tại Cảng Sài Gòn.
Về Vinalines, đơn vị này hiện đang quản lý và khai thác một đội tàu biển đa chủng loại bao gồm: tàu container, tàu hàng rời, tàu dầu và các loại tàu hàng khác.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 (đã soát xét) của MVN, trong nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 8.266 tỷ đồng, tăng tới 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh từ mức 4.823 tỷ đồng lên 6.854 khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 3,5%, ở mức 1.412 tỷ đồng.
Bán niên 2024, doanh thu hoạt động tài chính tăng 28 tỷ đồng, lên 338 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính giảm 41 tỷ đồng, về còn 151 tỷ đồng.
Lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm nhẹ, ở mức 69 tỷ đồng. Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 619 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.050 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kỳ, Vinalines ghi nhận khoản lợi nhuận khác 836 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ ở mức 68 tỷ đồng. Khoản lãi khác tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu là do doanh nghiệp tăng mạnh thu nhập từ thanh lý, nhượng bá tài sản (446 tỷ đồng) và phát sinh thêm lãi vay được xóa (hơn 382 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lãi ròng bán niên 2024 đạt 1.616 tỷ đồng, tăng tới so với khoản lãi 901 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vinalines là 29.377 tỷ đồng, tăng % so với thời điểm đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn là 6.793 tỷ đồng
Bất động sản đầu tư tại thời điểm cuối quý II/2024 là 437 tỷ đồng, chủ yếu bao gốm giá trị quyền sử dụng đất tại Cảng Cái Mép, tòa nhà Trung tâm Thông tin thương mại Hàng hải quốc tế Hà Nội (số 1 Đào Duy Anh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) và giá trị tòa nhà Vimadeco Building (số 163 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) đang sử dụng để cho thuê.
Nợ phải trả ở mức 12.978 tỷ đồng, tăng 809 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó, tổng vay và thuê nợ tài chính là 3.284 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra hồi tháng 7, nhiều nội dung quan trọng đã được thông qua, nổi bật trong đó là việc bổ sung danh mục đầu tư năm 2024 giá trị 356 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính tại cảng Container Quốc tế Cái Lân (CICT) – cảng liên doanh giữa SSA (Hoa Kỳ) và CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân (Vinalines góp 56% vốn).
Ngoài bổ sung danh mục đầu tư, ĐHĐCĐ Vinalines còn thông qua bổ sung ngành nghề kinh doanh và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty.