Ngày 29.8, giá xăng dầu giữ đà giảm, giá dầu Brent giảm 90 cent, tương đương 1,13%, xuống 78,65 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 1,01 USD, tương đương 1,34%, xuống 74,52 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu đã kéo dài đà giảm hơn 2% ở phiên giao dịch trước, sau khi tăng tổng cộng 7% ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước và phiên giao dịch đầu tiên của tuần này.
Reuters dẫn dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước đã giảm 846.000 thùng xuống còn 425,2 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 2,3 triệu thùng của các nhà phân tích. Tuy vậy, cũng theo EIA, hoạt động lọc dầu tại Mỹ tuần trước lại tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần.
Theo các nhà phân tích, lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên giá khi dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế nhập khẩu dầu thô lớn nhất nhì thế giới này đang gặp khó khăn và nhu cầu dầu từ các nhà máy lọc dầu chậm lại. Và sự phục hồi dự kiến vào nửa cuối năm nay tại thị trường này “vẫn chưa có dấu hiệu đáng tin cậy”.
Trong nước, các dự báo cho thấy, giá xăng dầu chiều nay (29.8) do liên Bộ Tài chính – Công thương thực hiện điều chỉnh, có thể giảm tiếp. Mức giảm được các thương nhân phân phối, đầu mối dự báo tương đối thấp, dao động từ 100 – 300 đồng/lít, chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ về mức thấp nhất trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 17 lần được điều chỉnh tăng, 17 lần giảm; giá dầu diesel có 16 lần tăng và 16 lần giảm.