Một trong số này là vụ án nhận hối lộ. Theo đó, nhân viên trật tự đô thị phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, lập biên bản các hành vi lấn chiếm lòng lề đường đã nhận hối lộ để không xử lý người vi phạm trên vỉa hè Công viên 23 Tháng 9.
Cũng tuần qua, quận 1 tiên phong tiến trình hiện thực hóa đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP HCM bằng việc thí điểm 11 tuyến đường. Với phần mềm được ra mắt, thông tin về diện tích sử dụng, mức phí, việc theo dõi từ chính quyền… được minh bạch trên nền tảng số. Nhiều quận khác như 5, 10, 11, 12 cũng đã gửi đến Sở Giao thông Vận tải (GTVT) danh mục tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông.
Như vậy, sau gần nửa năm tưởng như “đánh trống bỏ dùi” vì chậm, đề án chính thức tạo dấu ấn bằng những chuyển động như trên. Nói như Sở GTVT, nếu đề án triển khai hiệu quả thì vừa tạo nguồn thu, sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán một cách công khai vừa giúp công tác quản lý trật tự lòng lề đường đi vào nền nếp, văn minh, hiện đại.
Đương nhiên, công tác này cũng xóa tan những ý định bảo kê, trục lợi vỉa hè, lòng đường tại nhiều nơi, mà vụ ở Công viên 23 Tháng 9 là một ví dụ… Vì những lợi ích “nhiều trong 1 ấy”, Sở GTVT và những địa phương còn lại nên tăng tốc hơn, ít nhất là không để việc triển khai đề án phải chững lại vì bất cứ lý do gì.