Muốn tăng khai thác tài nguyên Alaska, ý định của ông Trump được giới chức địa phương ủng hộ nhưng các nhóm môi trường phản đối.
Trong ngày đầu tiên nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp thúc đẩy khai thác dầu khí, khoáng sản và gỗ ở Alaska.
Nó gồm việc mở cửa Khu vực bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực cho khai thác dầu khí; dỡ bỏ các giới hạn do chính quyền Biden áp đặt với hoạt động khai thác ở Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia Alaska; dỡ hạn chế khai thác gỗ, xây dựng đường sá trong các khu rừng ôn đới, nơi sinh sống của sói, gấu và cá hồi.
Ông Trump cũng yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ “khởi xướng thêm” các đợt cho thuê đất và cấp tất cả giấy phép cũng như quyền sử dụng đất cần thiết để thăm dò và phát triển dầu khí. Vào thời chính quyền tiền nhiện, ông Biden đã hủy bỏ 7 hợp đồng cho thuê đất khai thác dầu khí tại khu vực đồng bằng ven biển thuộc Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực.
Theo AP, sắc lệnh này là động thái quay trở lại các chính sách đã có trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Chính quyền bang Alaska lên tiếng ủng hộ, gọi sắc lệnh là “giải phóng tiềm năng tài nguyên phi thường của Alaska”.
Alaska là bang lớn nhất của Mỹ, diện tích hơn 1,47 triệu km2 và nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nơi đây có trữ lượng dầu mỏ và khí lớn, tập trung tại vùng North Slope và Cook Inlet, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Bang còn sở hữu nhiều khoáng sản như vàng, bạc, đồng, than đá và đất hiếm. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), địa phương có một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới là Donlin Gold. Khu rừng quốc gia Tongass ở Alaska là rừng mưa ôn đới lớn nhất thế giới. Ngành ngư nghiệp cung cấp hơn 60% sản lượng hải sản thương mại của Mỹ – nổi tiếng với cá hồi, cá tuyết và cua hoàng đế – theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Thống đốc Alaska Mike Dunleavy nhiều lần lập luận việc phát triển các nguồn tài nguyên khổng lồ là rất quan trọng với tương lai của bang. Ông quảng bá việc lưu trữ carbon dưới lòng đất và các chương trình bù đắp carbon như một cách để đa dạng hóa doanh thu, trong khi vẫn tiếp tục khai thác dầu, khí và than, theo đuổi các chương trình khai thác gỗ.
Alaska đang đối mặt với những thách thức kinh tế do sản lượng dầu – từng là huyết mạch của nền kinh tế – hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với quá khứ. Lý do bởi các mỏ dầu đã cũ, ít mở mới. Và hơn một thập kỷ qua, số người rời khỏi Alaska nhiều hơn chuyển đến.
Vì vậy, khi ông Trump đắc cử, Thống đốc Alaska Mike Dunleavy đã trình danh sách các kiến nghị có nội dung như sắc lệnh vừa được ký. “Tổng thống Trump đã thực hiện đúng cam kết trong ngày đầu tiên nhậm chức! Đây là lý do các cuộc bầu cử lại quan trọng”, ông Dunleavy nói.
Alaska có lịch sử lâu dài trong việc chống lại cái mà họ cho là sự can thiệp quá mức của chính phủ liên bang, ảnh hưởng đến khả năng phát triển tài nguyên thiên nhiên của bang. Thời chính quyền Biden, lãnh đạo địa phương phàn nàn rằng những nỗ lực phát triển thêm dầu, khí và khoáng sản bị cản trở không công bằng, dù họ cũng đạt được một chiến thắng lớn với dự án dầu Willow tại Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia – Alaska vào năm 2023.
Do đó, với sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump, các chính trị gia của bang lập tức hoan nghênh vì coi việc phát triển khai thác thêm nhiên liệu hóa thạch rất quan trọng với tương lai kinh tế. “Trời lại sáng ở Alaska”, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan tuyên bố.
Các lãnh đạo của cộng đồng người Iñupiaq tại Kaktovik – nằm trong Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực – cũng ủng hộ hoạt động khoan dầu và hy vọng tiếng nói của họ được lắng nghe dưới chính quyền Trump, sau khi cảm thấy bị thất vọng bởi cựu Tổng thống Joe Biden.
Ngược lại, một số cộng đồng và các nhà môi trường chỉ trích ý định của Trump. Lãnh đạo cộng đồng người Gwich’in phản đối hoạt động khoan thăm dò tại khu vực đồng bằng ven biển, vì nó rất quan trọng với đàn tuần lộc mà họ phụ thuộc sinh kế.
Các nhóm môi trường cũng phản đối ý định gia tăng khai thác tài nguyên Alaska vì lo ngại trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Cooper Freeman, Giám đốc Trung tâm Đa dạng Sinh học tại chi nhánh Alaska nói ông Trump “không thể chỉ vung đũa thần và khiến mọi thứ xảy ra”.
Chuyên gia này nhấn mạnh các luật và quy định về môi trường cần được tuân thủ khi chính quyền Trump nỗ lực đảo ngược các chính sách hiện có. Do đó, rào cản pháp lý sẽ xuất hiện. “Chúng tôi đã sẵn sàng và mong chờ cuộc chiến lớn nhất để giữ cho Alaska vĩ đại, hoang dã và trù phú”, Freeman nói.
Aaron Weiss, Phó giám đốc tổ chức bảo tồn Center for Western Priorities, nói tham vọng đảo ngược các chính sách thời Biden với Alaska phải mất nhiều năm để ban hành. Theo ông, để triển khai sắc lệnh này, Bộ Nội vụ cần ít nhất là một nhiệm kỳ, có thể là hai.
“Ngay cả khi thực hiện, bạn sẽ cần khoa học đứng về phía mình. Và chúng ta biết rằng, trong trường hợp của Alaska, khoa học không đứng về phía việc khoan thăm dò không giới hạn”, ông nói, ám chỉ đến những lo ngại về khí hậu và hiện tượng nóng lên ở Bắc Cực.
Các cộng đồng địa phương đã cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm băng biển mỏng dần, xói mòn bờ biển và băng vĩnh cửu tan chảy, làm suy yếu cơ sở hạ tầng, theo AP.
Erik Grafe, luật sư của tổ chức phi lợi nhuận chuyên về pháp lý môi trường Earthjustice gọi Bắc Cực là nơi tệ nhất để mở rộng khai thác dầu khí. “Không nơi nào tốt vì chúng ta cần phải thu hẹp và chuyển sang nền kinh tế xanh và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”, ông cảnh báo.
Phiên An (theo AP)