Xóa bù chéo giá điện

Điện sinh hoạt “cõng” sản xuất đã 10 năm

Cụ thể theo tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền; luật Điện lực hiện hành quy định “thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng”. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện.

Cơ chế bù chéo giá điện đã tồn tại từ 10 năm qua, tạo nên sự không công bằng cho người dùng điện

VN chưa có thị trường mua bán điện cạnh tranh, lại lấy tiền điện từ người giàu bù cho người nghèo, điện sinh hoạt bù cho điện sản xuất để thu hút đầu tư là không công bằng với người dùng điện; điện sinh hoạt bù giá điện sản xuất chỉ khiến thị trường không hoàn hảo và méo mó.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng

Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường nhận định hiện giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường. Giá bán lẻ điện chưa phản ánh đủ các chi phí từ sản xuất tới tiêu thụ điện và chưa đưa ra các tín hiệu thu hút đầu tư, cũng như các đối tượng tham gia thị trường điện… Thế nên, dự thảo luật cũng cần có quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội và đảm bảo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất. Trước đó, tháng 11.2023, khi giải trình bổ sung chất vấn gửi Quốc hội, Bộ Công thương cũng thừa nhận “vẫn tồn tại bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau”.

Thực tế, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay cho thấy có thời điểm điện bán cho sản xuất chỉ bằng 52% giá bình quân, trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân. Cơ chế bù chéo trong giá điện có thể hiểu nôm na là bù chéo giữa các hộ khách hàng tiêu dùng điện cho sinh hoạt với nhau; bù chéo giữa giá điện bán cho sinh hoạt và giá điện bán cho các ngành sản xuất; bù chéo giá điện giữa các vùng miền… Tình trạng này đã tồn tại 10 năm qua, sau khi có Quyết định 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ ngày 7.4.2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm (nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng) nhận định luật Giá và luật Điện lực hiện hành không có cụm từ nào gọi là “bù chéo giá”. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành năm 2020 cũng nêu rõ “giá điện không được dùng bù chéo”. Nhưng đã 4 năm từ khi có Nghị quyết 55, giá điện vẫn bù chéo qua lại. Nay sửa đổi luật Điện lực cũng không nói cụ thể và xóa thế nào là bất hợp lý. 

“Năm 2014, từ khi cơ cấu giá điện theo hướng điện sinh hoạt bù cho điện sản xuất, nhiều người đã thấy bất công. Người dùng điện không đồng thuận với chính sách này bởi bất luận thế nào, giá điện phải bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả ba bên gồm nhà sản xuất phải có lãi, nhà nước thu được thuế và người dùng mua điện đúng giá”, ông Lâm nhấn mạnh.

Bỏ bù chéo, tiến tới điện một giá?

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cũng lý giải việc bù chéo giữa các khách hàng dùng điện sinh hoạt được tính theo biểu giá điện lũy tiến bậc thang là nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện. Nhưng thực chất là tạo ra cơ chế để người dùng điện ở bậc cao hơn trả tiền nhiều hơn, bù giá cho người dùng điện ở bậc thấp với giá thấp. Theo số liệu trước đây của Tập đoàn điện lực VN (EVN), có khoảng 6,7% số hộ tiêu thụ khoảng 10,41% sản lượng điện của bậc 5 và 6 trong tổng sản lượng điện bán cho sinh hoạt với mức giá bằng 154 – 159% so với giá bình quân, bù chéo cho khoảng 31,48% số hộ tiêu thụ 48,26% sản lượng điện của bậc 1 và 2, với mức giá chỉ bằng 92 – 95% so với giá bình quân.

Thứ hai, bù chéo giữa giá điện bán cho sinh hoạt và giá điện bán cho các ngành sản xuất bởi giá điện sinh hoạt thường có giá thành cao hơn giá thành điện cho sản xuất do tiêu thụ điện hạ áp và ngược lại giá thành điện cho sản xuất thường thấp hơn do tiêu thụ chủ yếu điện cao áp, nhưng vẫn có phần bù chéo khi mức ưu đãi lớn nhất của giá điện cho sinh hoạt chỉ bằng 5 – 10% (bậc 1 và 2), trong khi mức ưu đãi của giá điện cho sản xuất lên tới 16 – 48% (giá vào khung giờ bình thường và thấp điểm) so với mức giá bình quân chung.

“Giá điện ở những bậc thấp còn thể hiện ra là một chính sách bao cấp đối với cả người có khả năng chi trả tiền điện thấp và người có khả năng chi trả tiền điện cao. Rồi giá điện cho sinh hoạt không chỉ bù chéo cho các ngành sản xuất trong nước mà còn bù chéo cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là điều hết sức bất hợp lý. Ngoài ra, bù chéo giá điện giữa các vùng miền cũng không phản ánh đúng chi phí cung ứng điện thực tế…”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng nếu vấn đề là an sinh cho gia đình nghèo, gia đình khó khăn thì nên xây dựng quỹ bình ổn giá điện, hỗ trợ họ qua Bộ LĐ-TB-XH chứ không nên duy trì chính sách lấy tiền mua điện của người giàu bù cho người nghèo. Trong thực tế, các nước cũng có bù qua bù lại trong giá điện, nhưng chính sách này là tự nguyện và quan trọng là họ có thị trường điện cạnh tranh. “VN chưa có thị trường mua bán điện cạnh tranh, lại lấy tiền điện từ người giàu bù cho người nghèo, điện sinh hoạt bù cho điện sản xuất để thu hút đầu tư là không công bằng với người dùng điện; điện sinh hoạt bù giá điện sản xuất chỉ khiến thị trường không hoàn hảo và méo mó”, ông Lâm nói.

Từ đó, ông Ngô Đức Lâm đề xuất nếu có thị trường điện cạnh tranh, áp dụng một giá bán điện là đúng nhất. Còn dùng biểu giá lũy tiến, cần nghiên cứu xem người dùng điện ở mức nào đang lãng phí với tăng giá mức đó nhằm tiết kiệm. Trước mắt, cải tổ lại cơ cấu giá điện, xem lại giá bán cho sản xuất, không để khu vực sản xuất tận dụng cơ hội giá điện rẻ nhảy vào đầu tư và gây áp lực lên tiêu thụ điện năng.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị nên xem xét bãi bỏ hoặc thay thế một số nội dung trong dự thảo về chính sách giá điện. Chẳng hạn, với quy định chung chung là “giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng…, giữa các vùng miền…” nên bỏ vì không có khái niệm “bù chéo” và không đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 55. “Đặc biệt, dự thảo đưa quy định áp dụng cơ chế giá bán điện phù hợp đối với nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao sẽ tạo tiền đề để quay lại cơ chế bù chéo. Theo tôi, nên xây dựng luật theo hướng áp dụng cơ chế một giá điện cho sản xuất, cho các ngành và cho sinh hoạt phản ánh chi phí của cấp điện áp tiêu thụ”, ông Thỏa đề xuất.

Đối với các chính sách xã hội trong giá điện, không nên đưa vào chính sách giá trong luật Điện lực mà phải lập mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện, đảm bảo thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 55. Phải tách bạch giữa giá điện với chính sách xã hội. Nhà nước điều tiết giá hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ… và chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN


Nguồn

Next Post

Giao thương nhiều nhất với Trung Quốc, một quốc gia bổ sung nhân dân tệ thành đồng tiền chính thức

Wed Aug 21 , 2024
Bắt đầu từ ngày 1/9, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ là đồng tiền chính thức của Kyrgyzstan, bên cạnh đồng som nội tệ, đô la Mỹ, euro và rúp Nga, Ngân hàng Trung ương nước Kyrgyzstan cho biết vào tuần trước. Ngân hàng sẽ công bố tỷ […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU