Vì sao giá thịt heo tăng mạnh dù sức mua yếu?

Sức mua giảm, giá vẫn tăng

Sáng chủ nhật 23.2, khu vực bán lẻ ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) khá nhộn nhịp khách mua sắm. Chị Hạnh, tiểu thương kinh doanh tại chợ, cho biết giá thịt heo vẫn chưa hạ nhiệt, giá ba rọi quế 110.000 đồng/kg, ba rọi dây 120.000 đồng/kg, nạc vai 95.000 đồng/kg, thịt nạc bắp 120.000 đồng/kg, xương ống 75.000 đồng/kg, giò trước 88.000 đồng/kg, cốt lết 95.000 đồng/kg… “Hôm nay cuối tuần khá đông khách đi chợ nên bán được hơn mọi ngày, chứ có những ngày ế lắm vì giá cao quá, khách chê không mua”, chị Hạnh chia sẻ. Theo quan sát của PV Thanh Niên, đến 9 giờ sáng sạp thịt heo của chị chỉ mới bán hết được thịt cốt lết, những sản phẩm khác vẫn còn tương đối nhiều. Dù vậy theo chị Hạnh, bán được như vậy cũng là mừng lắm rồi.

Giá heo hơi hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua

Chú Sơn, một trong những hộ kinh doanh thịt heo sỉ lớn nhất ở chợ đầu mối Hóc Môn, so sánh: Giá thịt heo hiện nay tăng khá cao, nếu so với thời điểm cuối năm 2024 thì đã tăng đến 10.000 đồng/kg. Thịt heo hơi loại 1 hiện nay đã lên đến gần 80.000 đồng/kg, heo mảnh cũng đã gần 100.000 đồng/kg. Đáng nói, dù giá heo tăng cao như vậy nhưng thật ra bán cũng không có lời, vì sức mua không cao, thương lái không dám nhập hàng nhiều, người mua thấy giá cao quá cũng quay lưng chọn thực phẩm khác nên có nhiều ngày thịt heo bị ế.

Trên bình diện cả nước, giá heo hơi đang tăng lên từng ngày. Tại thị trường các tỉnh, thành phía bắc, giá heo hơi tiếp tục tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg trong tuần vừa qua. Hiện tại chỉ còn một số ít địa phương thu mua với mức 70.000 đồng/kg, đa phần đều nâng giá thu mua lên khoảng 71.000 – 72.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung – Tây nguyên, giá heo hơi còn tăng nhanh hơn với mức tăng từ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Hiện tại, heo hơi trên toàn vùng được thu mua trong khoảng 70.000 – 75.000 đồng/kg.

Nhưng “nóng” nhất vẫn là thị trường heo hơi ở các tỉnh, thành phía nam. Giá heo hơi liên tục lập đỉnh mới, hôm sau cao hơn hôm trước và mức giá hiện tại đã cao nhất trong vòng 3 năm qua. Cụ thể, giá heo hơi tại khu vực này đã chạm mốc 76.000 đồng/kg tại Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cà Mau. Chỉ trong 1 tuần, nhiều địa phương đã điều chỉnh tăng từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, giá giao dịch phổ biến từ 74.000 – 76.000 đồng/kg.

Sẽ giảm nhiệt hay tăng tiếp?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Phương, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực chăn nuôi, nhận định: “Giá heo tăng cao trong thời gian vừa qua xuất phát từ nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung. Trước Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi xuất chuồng đồng loạt để tiêu thụ trong kỳ nghỉ dài ngày, đến thời điểm hiện nay chưa thể tái đàn ngay được. Trong khi đó, nhiều địa phương có truyền thống chăn nuôi lâu năm hiện đã siết chặt hơn quy trình kiểm soát, các hộ chăn nuôi buộc phải di dời ra khu vực xa hơn và phải áp dụng quy trình quản lý môi trường nghiêm ngặt hơn. Chính vì nguồn cung tạm thời thiếu hụt nên giá heo hơi tăng nhanh dù sức mua của thị trường sau tết đang là mùa thấp nhất trong năm”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: “Ngành chăn nuôi heo hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt. Đầu tiên là dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được kiểm soát, vẫn còn xảy ra ở nhiều trang trại, doanh nghiệp. Bên cạnh đó một số nơi xảy ra bệnh tiêu chảy cấp gây giảm tỷ lệ sinh ở đàn nái chỉ còn 50%, và thêm bệnh viêm phổi nên gây hao hụt sản lượng ở thời điểm hiện tại”.

Vậy có phải thị trường đang khan hiếm thịt heo? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc cấp cao của Công ty Chăn nuôi C.P VN, khẳng định: “Không có chuyện thị trường thiếu thịt heo vì tổng đàn cả nước hiện nay khá lớn. Tình trạng hiện nay chỉ là thiếu hụt trong ngắn hạn vì tỷ lệ chăn nuôi nông hộ đã giảm nhiều, chăn nuôi công nghiệp của các doanh nghiệp lớn mặc dù có thể bù đắp nhưng cần phải có thời gian. Ví dụ như trên địa bàn Đồng Nai, nhiều hộ trước đây nuôi heo nhưng sau khi bị giải tỏa di dời thì họ không nuôi heo nữa mà chuyển sang nuôi vịt. Ước tính có đến 60 – 80% các hộ bị di dời không tiếp tục nuôi heo, như vậy sản lượng sẽ thiếu hụt trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sức mua hiện nay không cao, giá heo tăng nhưng người tiêu dùng lại có nhiều sự lựa chọn khác thay thế như thịt gà hay trứng gà”.

Nhận định về giá thịt heo trong thời gian tới, ông Lê Xuân Huy nhấn mạnh: “Giá heo tăng cao hiện nay chỉ là trong thời gian ngắn, nguồn cung sẽ sớm được bổ sung bằng thịt nhập khẩu nếu các doanh nghiệp tính toán được lợi nhuận phù hợp. Các doanh nghiệp chăn nuôi cũng sẽ tăng thêm sản lượng đàn heo đưa ra thị trường và giá thịt heo sẽ giảm nhiệt. Còn nếu không giảm, người tiêu dùng sẽ chọn lựa các loại thực phẩm khác có giá thấp hơn, và với giá heo chênh lệch khá lớn như hiện nay, thịt nhập khẩu sẽ được đưa về để cân đối cung cầu. Theo tôi dự đoán thì chỉ trong 1 – 2 tháng nữa nguồn cung thịt heo sẽ được bổ sung và giá thịt heo sẽ giảm dần”.

Tương tự, ông Nguyễn Trí Công nhận định giá thịt heo tăng cao như hiện nay trong khi sức mua không tăng thể hiện sự thiếu hụt mang tính cục bộ trong thời gian ngắn. “Trước đây giá thịt heo hơi có khi tăng lên trên 90.000 đồng/kg và ở thời điểm đó, cơ quan quản lý đã mở cửa cho nhập heo sống để cân đối thị trường. Theo tôi, ở thời điểm này chưa thiếu hụt và giá chưa tăng cao như vậy nên giải pháp nhập thịt heo là chưa phù hợp và không bền vững. Thời gian gần đây chúng ta thấy thịt heo ở các nước lân cận không đưa về nhiều, đó là do chúng ta làm tốt khâu quản lý, kiểm soát biên giới và điều này là cần thiết để phòng chống dịch bệnh trên gia súc lây lan. Theo tôi thì tình hình thiếu hụt hiện nay chỉ mang tính nhất thời, giá heo hơi khó có thể tăng lên trên 80.000 đồng/kg vì như thế cơ quan quản lý sẽ có các chính sách điều hành để chấn chỉnh. Có thể chỉ trong đầu quý 2/2025, nguồn cung thịt heo từ các công ty chăn nuôi lớn sẽ được tăng cường và giá heo sẽ dần bình ổn trở lại”.

Vì sao giá thịt heo tăng mạnh dù sức mua yếu?- Ảnh 2.

NGUỒN: AM TỔNG HỢP TỪ ANOVA FEED – ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,98% so với tháng trước. Trong đó, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%, với lương thực tăng 0,3%, thực phẩm tăng 0,97%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,69% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 0,8%; thuốc hút tăng 0,7%; đồ uống không cồn tăng 0,36%.


Nguồn

Next Post

iPhone 16e cho thấy Apple từ bỏ phân khúc tầm trung

Tue Feb 25 , 2025
Điều này đồng nghĩa với việc chi phí để gia nhập hệ sinh thái iOS, người tiêu dùng phải chi thêm đến 170 USD cho chiếc iPhone 16e có giá rẻ nhất. Kết quả là người dùng sẽ phải đưa ra một trong hai lựa chọn: tiếp tục hoặc từ […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU