Chiều 29/5, phát biểu giải trình tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có thông tin thêm về diễn biến tỷ giá và tín dụng trong thời gian qua.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các nước khi kiểm soát lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng. Nhưng đối với Việt Nam, nước ta đã đạt được cả hai mặc dù kết quả không đạt được mục tiêu như Quốc hội đề ra nhưng so với các nước trên khu vực và thế giới, đây là điểm sáng được quốc tế đánh giá rất cao
Theo Thống đốc, trong 5 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô và tiền tệ tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, có một số vấn đề mà Chính phủ đang quyết liệt quan tâm chỉ đạo.
Về tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ giá chịu áp lực tăng. Đây là diễn biễn chung của nhiều đồng tiền trên thế giới và trong khu vực, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với Ngân hàng Nhà nước, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng tỷ giá có diễn biến tăng và lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường.
Theo Thống đốc, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hố, do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã theo dõi rất sát.
“Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp đồng bộ thực hiện các giải pháp, chính sách để điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp để đảm bảo nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước”, bà Hồng nói.
Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung – cầu ngoại tệ. Đặc biệt, khi chỉ số USD có diễn biến tăng, các doanh nghiệp đã tăng cường hoạt động mua kỳ hạn (mua trước) có nghĩa nhu cầu ngoại tệ trong tương lại sẽ có xu hướng giảm. Đồng thời, Fed có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm. Nhiều dự báo cho thấy, tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm vấn đề điều hành của Chính phủ”, Thống đốc nhấn mạnh.
Đối với vấn đề tín dụng thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây cũng là vấn đề được đề cập ở nhiều kỳ họp trước và xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các thành viên của Chính phủ, trong đó có Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, tín dụng tăng thấp có rất nhiều nguyên nhân đó là vấn đề đầu ra cả về xuất khẩu và đầu ra ở trong nước. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn các địa phương giải quyết.
Theo bà Hồng, Chính phủ vừa qua đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, qua đó sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó sẽ kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần báo cáo và kiến nghị với 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có giải pháp tăng cường như bảo lãnh các doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng, qua đó sẽ thúc đẩy tín dụng cao hơn.