Ngày còn là sinh viên, tôi cùng bạn tìm việc làm thêm. Một lần, sau ngày đi làm vất vả, chúng tôi trở về thì bạn rủ vào siêu thị Co.opmart SCA Goldsilk tại tầng hầm tòa tháp C, khu đô thị mới Kim Văn Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Tự dưng tôi thèm món cá kho tương Bần với món cà pháo dầm tương. Đi tìm quầy hàng bán tương, không ngờ ở siêu thị lớn như thế cũng bán tương Bần, đặc sản quê hương Hưng Yên của tôi.
Tương Bần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong làng nghề – Ảnh minh họa
Chúng tôi dạo qua siêu thị vài vòng, ở đây bán nhiều mặt hàng đã được sơ chế, chúng tôi đã tìm mua được những thứ cần với giá cả hợp lý, tươi và ngon.
Đạp xe về xóm trọ, tôi trổ tài nấu món cá kho tương và cà pháo dầm tương cho bạn cùng ăn. Vừa ăn, tôi vừa khoe với chúng bạn về món tương Bần đặc sản, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tương Bần cũng là loại nước chấm rất đặc biệt mà không một loại nước chấm nào có thể thay thế được. Tương bần chấm với rau muống, bánh đúc, thịt bò, thịt bê, thịt dê, thịt luộc…
Mùa hè, về Hưng Yên, về với làng Bần quê tôi, mọi người sẽ thấy một vẻ đẹp yên bình. Dọc đường đi là những chum tương được xếp thành hàng dài để phơi, mùi tương thơm ngon, béo ngậy. Nếu từng ăn những món ăn nấu với tương, chấm với tương thì không bao giờ quên được mùi vị: “Ăn một lần nhớ mãi”.
Giờ đây, tương Bần không chỉ sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, để mọi người dân Việt Nam xa xứ trên khắp thế giới đều được nếm mùi vị quê hương.
Tương Bần là tinh hoa của đất trời, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong làng nghề, để các nghệ nhân làm tương gắn bó với nghề, phát triển nghề truyền thống lâu dài và bền vững.