CTCP Phúc Sinh (Phuc Sinh Corporation) vừa nhận khoản đầu tư từ Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) với tổng giải ngân và dự định tài trợ đến 25 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng). Đây là khoản đầu tư đầu tiên của &Green vào một doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Xuất phát điểm là công ty xuất khẩu hồ tiêu thành lập từ năm 2001, hiện Phúc Sinh là một DN lớn trong lĩnh vực xuất khẩu tiêu khi chiếm đến 8% thị phần xuất khẩu trên toàn thế giới. Và hôm nay, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh – nhấn mạnh đang có một “cuộc chơi” mới mang tên cà phê, bởi cà phê còn rất nhiều dư địa để khai thác.
Đầu năm nay, Phúc Sinh đã được quỹ châu Âu rót vốn và định giá lên đến 320 triệu USD. Cùng với khoản đầu tư này, ông Thông chia sẻ sẽ là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Phúc Sinh, ở cả mang tiêu và cà phê.
Chủ tịch cũng tiết lộ tháng 9 tới đây dự hoàn tất thêm một thương vụ đầu tư mới, thậm chí đối tác sẽ rót vốn không hoàn lại cho mô hình nông nghiệp bền vững của Tập đoàn. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư khan hiếm, việc một DN nông nghiệp của Việt Nam chốt được một lúc 2-3 “deal” là đáng chú ý.
11 năm “giữ mình” của Phúc Sinh và câu chuyện DN nông nghiệp Việt bị định giá thấp
Thực tế, ông Thông cho biết Phúc Sinh đã sớm nhận được lời mời đầu tư từ nhiều quỹ, “đại gia” từ năm 2013, tức cách đây 11 năm. Lúc bấy giờ, các quỹ đầu tư chủ yếu làm về tiêu dùng nên họ định giá Phúc Sinh rất thấp. Chưa kể, khi rót vốn các nhà đầu tư này áp KPI buột Công ty phải bán hàng nhanh để tối đa hoá lợi nhuận. Chính điều này khiến ông Thông từ chối và “giữ mình” cho đến hôm nay.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tại sao Phúc Sinh bị định giá thấp vậy. Trong khi mình đang bán hàng cho hơn 102 quốc gia. Tôi cũng đặt câu hỏi tại sao so với khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… DN nông nghiệp Việt Nam bị định giá thấp thua xa nước bạn?”, ông Thông chia sẻ. Điều này là động lực cho Phúc Sinh hoàn thiện mô hình sản xuất của mình.
Phúc Sinh cũng là một trong những đơn vị tiên phong làm ESG. Thành thật chia sẻ về chiến lược này, ông Thông cho biết xuất phát từ yêu cầu của khách hàng. Nhiều năm về trước, khách hàng mua tiêu của Công ty yêu cầu phải có được 50% hàng đạt chuẩn ESG trên kệ, nên nếu Phúc Sinh không làm sẽ không bán được hàng.
Tình thế bắt buộc, ông Thông phải bỏ tiền túi để làm ESG khi khái niệm này ở Việt Nam thậm chí còn rất sơ khai, chưa ai nghĩ đến. “Tôi nhớ năm 2010, tôi bỏ ra 5 tỷ đồng, tương đương 3-4 mảnh đất ở Phú Mỹ Hưng (quận 7 – vị trí đắc địa nhất Tp.HCM) để làm ESG. Phúc Sinh cũng đã bỏ ra 800 triệu đồng để thuê các chuyên gia khu vực về ESG, song đến 2012 thì thất bại hoàn toàn”, ông Thông kể lại.
Nói về lý do thất bại, Phúc Sinh cho biết nguyên nhân chính là việc quản lý cùng lúc nhiều hộ nông dân là quá tải. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi cho đến bây giờ khi khái niệm ESG rất phổ biến, thì nhiều bên vẫn đang vật lộn với việc phổ cập lại cho người nông dân.
Phát triển bền vững không hề rẻ
Dưới kinh nghiệm của mình, ông Thông “đúc kết” quý giá khi muốn làm ESG là phải hiểu được văn hoá nông dân trước. Và Phúc Sinh sau đó đã dành thời gian để hiểu về thổ nhưỡng, vùng miền và văn hoá, cách canh tác của người dân ở từng khu vực. Song song, Công ty cũng tiến hành lập đội nhóm ESG chuyên biệt. Đến năm 2014, thành công Công ty gia vị đầu tiên nhận được chứng nhận về ESG – Rainforest Alliance. Đến nay, Phúc Sinh thậm chí có hàng chục chứng nhận, đó là lý do Công ty có thể thương thảo buôn bán với loạt đối tác trên thế giới.
“Phát triển ESG không rẻ đâu, và DN cần phải kiên định“, ông Thông gửi gắm và mong muốn thương vụ với đối tác Hà Lan sẽ là nguồn cảm hứng cho các đơn vị đang muốn gọi vốn ngoại. Ông cho biết, Phúc Sinh cũng là một startup, cũng đi qua rất nhiều thất bại. Đến hôm nay, “mở lòng” với quỹ ngoại, ông Thông cũng không giấu tham vọng sẽ IPO vào 4 năm sau, khi doanh thu đạt 510 triệu USD.
“Để có thể đồng hành cùng quỹ ngoại, DN cần phải có 3 yếu tố: Chân thực, minh bạch và bền vững. Phúc Sinh giai đoạn đến sẽ còn rất nhiều điều phải làm, phải tái cấu trúc tài chính… vì cái gì cũng có giá của nó. Nhưng tôi nhận định điều này là tốt cho Công ty trong tương lai.
Hiện nay, chúng ta đều biết nhiều bên chết trên đống tài sản, trong khi DN xuất khẩu ở Việt Nam có “cash flow” (doanh thu đều đặn) tốt, tại sao chúng ta không gắn kết hai bên lại“, đại diện Phúc Sinh nói.
Nhảy vào “sân chơi” chuỗi cà phê với thương hiệu K Coffee
Bên cạnh xuất khẩu, từ năm 2016, Phúc Sinh cũng quay về thị trường trong nước thông qua bán cà phê cho đối tác của mình. Công ty đã bắt đầu bán đại trà tại các kênh siêu thị cũng như tại các cửa hàng chuỗi K Coffee.
“Tôi thấy rằng doanh nghiệp Việt hiện nay chỉ quan tâm xuất khẩu và không quan tâm nội địa . Phúc Sinh khi đi sang các nước Anh , Mỹ … người ta nói Việt Nam không uống cà phê. Họ nói 1 lần còn tưởng họ đùa , nhưng họ nói nhiều thì biết là không đùa nữa . Nên tôi quyết định bán sản phẩm cà phê chất lượng trong nước”, ông Thông nói.
Nhìn nhận về thị trường chuỗi cà phê Việt hiện nay, ông Thông cho rằng dư địa vẫn còn, nhiều người đến kẻ đi. Điều đáng buồn là nhiều bên đang gánh lỗ, trong khi những “tân binh” dù đến với thị trường với sự hớn hở cùng sản phẩm chất lượng, song ông Thông đánh giá họ đang đi chưa đúng xu hướng . Trong đó, các chuỗi mới không có sự kết nối với trồng trọt, chỉ chăm chăm vào sáng tạo sản phẩm. Mà điều này đi ngược với xu hướng thị trường thế giới và Việt Nam cũng vậy.
Riêng Phúc Sinh, hiện chuỗi K Coffee đang lấy nguồn từ diện tích nông trại Phúc Sinh (chiếm khoảng 5% đầu ra). Với sự hậu thuẫn về nguyên liệu cũng như vốn từ công ty mẹ, đối tác, định hướng trong 3 đến 5 năm, Phúc Sinh FMCG mong muốn đứng số 1 trong phân khúc sản phẩm chất lượng cao.
Đầu năm nay, Công ty đã tái cấu trúc và thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu từ màu xanh sang màu hồng trên toàn hệ thống. Đây là bước đầu cho kế hoạch nhân rộng của K Coffee, sau khi nhận vốn từ châu Âu đầu năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm, chuỗi mang về 100 tỷ doanh thu trên tổng số 50 cửa hàng. Như vậy, ước tính mỗi cửa hàng K Coffee có doanh thu 286 triệu đồng/tháng. Con số này so với một thương hiệu mới như K Coffee là một mức đáng ghi nhận, thậm chí vượt mặt các chuỗi cà phê tuổi đời lớn hơn như Ông Bầu, Cộng Cà phê, GUTA Cafe.