Ngày 7.9, giá xăng dầu giữ đà trượt dốc, dầu Brent giảm 1,63 USD, tương đương 2,24%, xuống 71,06 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12.2021. Tương tự, giá dầu WTI giảm 1,48 USD, tương đương 2,14%, xuống 67,67 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
Như vậy, tính hết tuần này, giá dầu Brent đã giảm khoảng 10%, dầu WTI giảm khoảng 8%.
Theo Reuters, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm nhẹ, từ 4,3% xuống 4,2%, số việc làm tăng ít hơn so với dự kiến. Kết quả này cho thấy thị trường lao động đang suy yếu và có thể không đảm bảo cho việc hạ lãi suất mạnh tay từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngay trong tháng này.
Nhận xét về sự sụt giảm của giá dầu, Giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, ông Bob Yawger, cho biết ngoài yếu tố việc làm của Mỹ, lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc cũng đang gây áp lực lên giá dầu. Giá dầu giảm sâu bất chấp việc tồn kho dự trữ dầu của Mỹ theo báo cáo trước đó giảm; Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang cố gắng trì hoãn việc tăng sản lượng theo kế hoạch.
Trong một diễn biến khác, những tín hiệu cho thấy xung đột giữa các phe phái ở Libya có thể tiến gần hơn đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh chấp. Điều này khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này có thể được khôi phục, giúp gây áp lực lên giá dầu trong tuần này.
Theo thông báo từ ngân hàng Mỹ, trong nửa cuối năm 2024, giá dầu Brent sẽ giảm mạnh 15 USD, từ mức gần 90 USD/thùng xuống 75 USD/thùng, với lý do tồn kho toàn cầu tăng và tăng trưởng nhu cầu yếu hơn và năng lực sản xuất dự phòng của OPEC+.
Trong nước, ngày 7.9, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường phổ biến như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 19.979 đồng/lít, xăng RON 95 không cao hơn 20.827 đồng/lít, giá dầu diesel không cao hơn 18.092 đồng/lít, giá dầu hỏa không cao hơn 18.724 đồng/lít, giá dầu mazut không cao hơn 15.155 đồng/kg.