Phải có quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông với hệ thống đường sắt dài nhất, nhanh nhất và bận rộn nhất. Năm 2007, Trung Quốc mới chỉ có 1 tuyến đường sắt cao tốc với vận tốc khoảng 250 km/giờ. Hiện tại sau 17 năm sau, tổng số đường sắt Trung Quốc đã vượt qua con số 155.000 km, trong đó có gần 44.000 km là đường sắt cao tốc với nhiều tuyến đạt mốc vận tốc 350 km/giờ.
Việt Nam cần huy động nhiều nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới
Sự phát triển thần tốc này khiến cả thế giới kinh ngạc. Nhưng họ đã làm thế nào, đặc biệt là trong việc huy động một nguồn lực khổng lồ đề thực hiện việc này? Bà Cheng Ding cho biết: Để nhanh chóng triển khai các công trình hạ tầng cơ sở lớn, Trung Quốc phải phát triển các quỹ đầu tư và mở rộng các kênh tài chính.
Cụ thể, với tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải ( tuyến có lưu lượng hành khách lớn nhất với tổng mức đầu tư hơn hơn 30 tỉ USD, bắt đầu xây dựng vào 18.4.2008 và kết thúc vào 30.6.2011), chính phủ đã thành lập Tập đoàn Đường sắt Quốc gia, đại diện vốn đầu tư của chính quyền trung ương giữ 56,27% cổ phần. Dự án thu hút vốn xã hội thông qua hợp tác vốn chủ sở hữu với Công ty Quản lý Tài sản Ping An với 13,91% và Quỹ An sinh Xã hội Trung Quốc chiếm 8,7% cổ phần. Sau đó, hoàn thành IPO cổ phiếu hạng A với giá trị tới 30,6 tỉ USD, trở thành nhà khai thác đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán để đạt tối đa hiệu quả sử dụng vốn và lợi nhuận của dự án.
Tới 2014, Quốc vụ Viện đề xuất thành lập Quỹ phát triển đường sắt quốc gia, đánh dấu bước tiến đáng kể trong cải cách đầu tư và tài chính đường sắt. Dòng vốn đầu tư xã hội đa kênh đổ vào, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của hệ thống đường sắt Trung Quốc và góp phần ổn định kinh tế đất nước. Cùng với đó, Trung Quốc có Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, Quỹ cơ sở hạ tầng xanh, Quỹ hưu trí… và chính phủ có nhiều chính sách để thu hút dòng vốn nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư xuyên biên giới. Các nhà đầu tư có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua Hồng Kông.
“Để thành công xây dựng mạng lưới quỹ mạnh như hiện nay, đầu tiên cần có khung pháp lý vững chắc. Các nhà đầu tư cần tiếp cận thị trường thông qua khuôn khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc, đảm bảo tính an toàn của tài sản và giải quyết các mối quan ngại về dòng tiền ra/vào. Cùng với đó, đảm bảo sự ổn định và tính liên tục của chính sách. Một rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào các thị trường mới nổi là sự không chắc chắn về chính sách. Hệ thống khung pháp lý của Trung Quốc đã duy trì được mức độ ổn định, liên tục và nhất quán trong suốt 15 năm qua. Những nỗ lực liên tục nhằm mở cửa thị trường vốn chưa bao giờ ngừng lại, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư dài hạn vào Trung Quốc. Song song, cơ quan quản lý phải duy trì được tính minh bạch cao và dễ hiểu về các chính sách mở tài khoản và thuế” – bà Cheng Ding chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị
Quy mô quỹ tại Việt Nam còn quá khiêm tốn
Chia sẻ tại hội nghị, ông Don Lâm, đồng sáng lập và Tổng giám đốc Quỹ VinaCapital nhận xét quy mô ngành quản lý quỹ của Việt Nam còn khiêm tốn và mức độ thâm nhập quỹ thấp. Với thị trường cổ phiếu, các quỹ được quản lý chuyên nghiệp chỉ chiếm 3,5%, còn lại là dịch vụ đầu tư, nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư cá nhân. Tương tự, thị trường trái phiếu cũng chiếm hơn 83% là ngân hàng, bảo hiểm xã hội và nhà đầu tư cá nhân. Các quỹ được quản lý chuyên nghiệp chỉ chiếm 16,68%.
Chỉ có 7% dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế trong giao dịch thị trường hàng ngày, chiếm tới 85%. Trong khi con số này ở Mỹ chỉ chiếm 18%, Nhật Bản 23%, Malaysia 28% và Thái Lan 43%. Tính trên GDP, tổng tài sản các quỹ mở tại Việt Nam chỉ chiếm 6%, trong khi ở Mỹ chiếm tới 180%, Nhật Bản là 160%, Trung Quốc 105% và Hàn Quốc 70%.
Đặc biệt, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn ít và đang giảm dần. Không có các thương vụ IPO lớn từ 2019. Các nhà đầu tư nước ngoài viện dẫn cho lý do ít quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Các con số biết nói này đã chứng minh đầy đủ quy mô ngành quản lý quỹ ở Việt Nam quá khiêm tốn, nhưng cũng đồng nghĩa còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Để phục vụ nhu cầu phát triển nhanh, mạnh trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có Quỹ Đầu tư quốc gia, Quỹ Đầu tư cơ sở hạ tầng, Quỹ Đầu tư bất động sản, Quỹ ETF chiến lược, Quỹ Phát triển xanh. Để nhanh chóng xây dựng thị trường quỹ mạnh, chúng ta cần tuyên truyền cho người dân về lập kế hoạch tài chính và đầu tư. Phải nhấn mạnh đầu tư chứng khoán không chỉ là chơi, mà phải là dài hạn. Đồng thời, phát triển cổng thông tin trực tuyến quốc gia cho các nhà đầu tư vào các quỹ mở; nâng cao năng lực quản lý thị trường, tăng cường tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư; thay đổi các quy định về thuế, chứng khoán, tổ chức tín dụng để khuyến khích đầu tư vào quỹ, mở rộng kênh phân phối và nâng cao hoạt động phân phối quỹ…” – Tổng giám đốc Quỹ VinaCapital gợi ý một số giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức 2 con số trong thời gian tới nhằm sớm bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính, ngành tài chính xác định đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Với yêu cầu đặt ra như vậy, chúng tôi mong muốn được lắng nghe những đánh giá đa chiều, thẳng thắn, các ý kiến đề xuất khách quan, mang tính xây dựng của các doanh nghiệp, đơn vị, hiến kế cho Bộ Tài chính giải pháp để phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị.