Ngày 7.6, giá xăng dầu giữ đà tăng gần 2%, giá dầu Brent tăng 1,46 USD, tương đương 1,86%, lên 79,87 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,48 USD, tương đương 2%, lên 75,55 USD/thùng.
Giá dầu tăng sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm lãi suất – đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên (25 điểm cơ bản) kể từ năm 2019. Theo quyết định của ECB, lãi suất đã giảm xuống 3,75% từ mức kỷ lục 4%. Tuy vậy, ngân hàng này cũng cảnh báo áp lực giá tăng mạnh bởi tiền lương cao và lạm phát có thể sẽ cao hơn mục tiêu trong năm tới. Thông điệp này làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư về việc có thể cắt giảm lãi suất tiếp nữa.
Cùng với ECB, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch cũng thông báo hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 3,35%. Các nhà phân tích đánh giá động thái giảm lãi suất tại ECB làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm theo.
Bên cạnh đó, các phân tích cho thấy, giá dầu leo dốc một phần bởi các bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trấn an các nhà đầu tư rằng, thỏa thuận sản lượng dầu mới nhất có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thị trường. Ngày 6.6, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết OPEC+ có thể tạm dừng hoặc đảo ngược việc tăng sản lượng nếu thấy thị trường không đủ mạnh.
Trong khi đó, chiều hôm qua 6.6, liên Bộ Công thương – Tài chính cho điều chỉnh giảm giá hàng loạt các mặt hàng xăng dầu. Tại kỳ điều hành này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn không được đề cập, theo đó, liên Bộ đã không thực hiện chỉ sử dụng hay trích lập Quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu.
Mức giảm đối với mặt hàng xăng từ 542 – 618 đồng/lít, về 21.141 đồng/lít với xăng E5 RON92, 21.977 đồng/lít với xăng RON 95-III; giá dầu diesel giảm 325 đồng về 19.422 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 374 đồng về 19.557 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 253 đồng về 17.285 đồng/kg.