Sáng 6.2, giá xăng dầu giữ đà giảm, dầu Brent giảm 1,59 USD, tương đương 2,09%, xuống 74,61 USD/thùng; trong khi dầu WTI cũng giảm 1,67 USD, tương đương 2,3%, xuống 71,03 USD/thùng.
Sau khi Mỹ áp thuế 10% đối với hàng nhập từ Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 4.2, cùng ngày, Trung Quốc cũng công bố mức thuế 10% đối với dầu thô, 15% đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá nhập khẩu từ Mỹ.
Những đòn áp thuế và trả đũa của các nền kinh tế lớn đã khiến thị trường dầu thế giới biến động liên tục. Trong phiên, có thời điểm giá dầu WTI trượt dốc mất tới 3%. Các nhà phân tích thị trường nhiên liệu cho rằng, việc Trung Quốc trả đũa bằng áp thuế cao đối với sản phẩm dầu và khí đốt của Mỹ khiến nhu cầu các mặt hàng này sẽ chuyển hướng sang một thị trường khác.
Giá xăng dầu trong nước có thể tăng giảm trái chiều tại kỳ điều chỉnh chiều nay 6.2
Trong một diễn biến khác, trước tuyên bố “gây sức ép tối đa” đối với Iran của Tổng thống Mỹ, mới đây, Tổng thống Iran cũng đáp trả bằng lời kêu gọi các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đoàn kết chống lại các lệnh trừng phạt có thể có của Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đẩy kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran xuống gần mức 0 sau khi áp đặt lại lệnh trừng phạt, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Các nhà phân tích bày tỏ lo lắng nếu lệnh trừng phạt này được áp dụng trở lại, nguồn cung có thể bị đứt gãy, đẩy giá dầu tăng. Theo ước tính của EIA, xuất khẩu dầu của Iran thu được 53 tỉ USD vào năm 2023 và năm 2024, nước này đạt sản lượng được OPEC cho là cao nhất kể từ năm 2018.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được liên Bộ Tài chính – Công thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay (ngày 6.2). Dù giá xăng dầu thế giới tuần trước giảm, nhưng những phiên giao dịch vừa qua, giá dầu có xu hướng tăng, nên nhiều khả năng giá trong nước sẽ được điều chỉnh trái chiều. Theo dự báo, giá xăng có thể giảm nhẹ, dầu tăng nhẹ. Mức tăng giảm dao động trên dưới 100 đồng/lít/kg.