Ngày 18.9, giá xăng dầu tăng hơn 1%, giá dầu Brent tăng 95 cent, tương đương 1,3%, lên 73,7 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 1,1USD, tương đương 1,6%, lên 71,41 USD/thùng.
Như vậy, sau 4/5 phiên tăng gần đây nhất, giá dầu đã chạm mức cao nhất trong tháng 9. Trong khi đó, thông tin về nguồn cung thì đến nay, hơn 12% sản lượng dầu thô tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ vẫn chưa được khôi phục sau bão Francine. Reuters còn dẫn dữ liệu của các nhà phân tích của Kpler cho biết, mặc dù xuất khẩu dầu thô của Libya trong tuần trước đã tăng gấp 3 lần lên khoảng 550.000 thùng/ngày, nhưng con số này chỉ bằng nửa lượng dầu xuất khẩu của Mỹ vào tháng trước là hơn 1 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích cho rằng, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Các nhà đầu tư hy vọng động thái cắt giảm lãi suất của Fed có thể giúp phục hồi nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Khảo sát cho thấy, khoảng 69% người kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất lên đến 50 điểm cơ bản. Điều này có thể làm giảm giá đồng USD và thúc đẩy giá dầu và các mặt hàng khác được định giá bằng USD trong tương lai.
Ngày 18.9, giá trên thị trường châu Âu và châu Á vẫn giữ đà tăng. Tuy nhiên, số lượng giao dịch đang ở dưới mức trung bình. Dự đoán, giá dầu sẽ tăng trong tuần này do diễn ra xung đột ở Trung Đông gia tăng.
Theo diễn biến thị trường thế giới, một số thương nhân đầu mối trong nước dự báo, trong kỳ điều hành giá kỳ tới (thứ năm, ngày 19.9) giá xăng dầu có thể sẽ giảm nhẹ. Dự báo chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi.
Tại kỳ điều chỉnh tuần trước (ngày 12.9), xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh, mức giảm dao động từ 930 – 1.200 đồng/lít/kg.