Tranh chấp chung cư ‘nóng’ trở lại, người dân căng băng rôn đòi quyền lợi

Tầng kỹ thuật thành văn phòng, cư dân lo không cấp được “sổ hồng”

Tại chung cư Việt Đức Complex , số 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cư dân băng rôn trên ban công các căn hộ yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà – Việt Đức trả “sổ hồng”.

Cư dân ở đây phản ánh, họ nhận nhà về ở từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) theo quy định. Lý do bởi một số sai phạm của chủ đầu tư khi thực hiện dự án như sử dụng một phần diện tích của tầng kỹ thuật vào mục đích kinh doanh; tự ý xây dựng vách ngăn và phân chia phòng bố trí như căn hộ để ở tại tầng kỹ thuật không phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến việc các căn hộ không đủ điều kiện để được cấp “sổ hồng”.

Cư dân chung cư Việt Đức Complex (quận Thanh Xuân) lo lắng việc 2 tầng kỹ thuật thành văn phòng khiến các căn hộ không đủ điều kiện để được cấp “sổ hồng”. Ảnh: Đình Phong.

Trao đổi với PV, anh Xuân – cư dân chung cư Việt Đức Complex cho biết, cuối năm 2021, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả mặt bằng 2 tầng kỹ thuật theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Dừng việc cho thuê và sử dụng làm văn phòng không đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội để cấp “sổ hồng” cho các hộ dân.

“Sau đó, Công an quận quận Thanh Xuân ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với khu vực 2 tầng kỹ thuật. UBND quận Thanh Xuân cũng có quyết định xử phạt, yêu cầu chủ đầu tư buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm. Hết thời gian theo quy định, nếu chủ đầu tư không tháo dỡ sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm trôi qua, các văn phòng tại 2 tầng kỹ thuật vẫn hoạt động bình thường. Việc 2 tầng kỹ thuật chưa trả lại đúng công năng ban đầu khiến việc cấp sổ hồng cho người dân rơi vào bế tắc”, anh Xuân bức xúc.

Trao đổi với PV, đại diện Công ty Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà – Việt Đức cho biết, sau khi tòa nhà được cơ quan chức năng nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng (trừ 2 tầng kỹ thuật – PV), phía chủ đầu tư đã nộp hồ sơ để làm “sổ hồng” cho cư dân theo quy định.

Vào giữa tháng 7/2022, Văn Phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã thẩm tra hồ sơ và có báo cáo đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) cho phép dự thảo báo cáo UBND TP chấp thuận để Sở TN&MT tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ giải quyết cấp “sổ hồng” tại 704 căn hộ (không cấp giấy chứng nhận 2 tầng kỹ thuật) cho các tổ chức, cá nhân mua nhà theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trong thời gian chủ đầu tư liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xác định, nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do thay đổi điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng (nếu có).

Sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND TP, Sở TN&MT thông báo đến chủ đầu tư về kết quả kiểm tra hồ sơ pháp lý dự án việc cấp “sổ hồng” cho cư dân.

“Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để cấp sổ hồng cho người dân”, đại diện chủ đầu tư nói.

Tranh chấp chung cư ‘nóng’ trở lại, người dân căng băng rôn đòi quyền lợi - Ảnh 2.

Cư dân chung cư Kosmo Tây Hồ băng rôn yêu cầu chủ đầu tư bàn giao khoảng 50 tỷ đồng quỹ bảo trì cho cư dân. Ảnh: Cư dân cung cấp.

Không chỉ chung cư Việt Đức Complex, những ngày qua cư dân chung cư Kosmo Tây Hồ (quận Bắc Từ Liêm) đã xuống đường, tập trung băng rôn quanh dự án yêu cầu đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Bất động sản Tây Hồ View bàn giao quỹ bảo trì 2% với số tiền khoảng 50 tỷ đồng cho cư dân.

Ngoài ra, cư dân và chủ đầu tư còn mâu thuẫn về việc chất lượng dịch vụ không tương xứng, nhiều tiện ích không đúng như cam kết…

“Chây ì” tiến độ, 4 lần lùi lịch bàn giao nhà

Hay mới đây, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án DLC – Complex Nguyễn Tuân (Harmony Square) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DLC làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần VERACITY là nhà phát triển dự án nằm trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng xuống đường băng rôn đòi nhà, bởi họ lo lắng trước việc dự án chậm tiến độ, liên tục “chây ì” bàn giao nhà.

“Theo hợp đồng mua bán căn hộ, thời gian dự kiến bàn giao căn hộ vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, với lý do dịch bệnh chủ đầu tư xin lùi thời hạn bàn giao nhà. Chúng tôi cũng rất thông cảm với chủ đầu tư và đồng ý thời hạn bàn giao lùi sang tháng 3/2022 nhưng tiếp đó chủ đầu tư đơn phương gửi tiếp lịch lùi thời gian bàn giao đến tháng 9/2022 mà không có lý do gì. Sau đó, liên tiếp gửi thêm thông báo lùi bàn giao đến tháng 3/2023. Và gần đây nhất, chủ đầu tư lại thông báo sẽ giao nhà vào quý II/2023…. Điều đáng nói, công trường hiện rất ít công nhân làm việc thì không biết đến bao giờ dự án hoàn thiện để bàn giao nhà”, chị Hương – khách hàng mua nhà dự án Harmony Square bức xúc.

Tranh chấp chung cư ‘nóng’ trở lại, người dân căng băng rôn đòi quyền lợi - Ảnh 3.

Khách hàng mua căn hộ tại dự án DLC – Complex Nguyễn Tuân băng rôn đòi nhà. Ảnh: Cư dân cung cấp.

Trước đó, thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra những chung cư từng là “điểm nóng” tranh chấp, cư dân nhiều lần căng băng rôn trên địa bàn Hà Nội và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, nhiều chung cư tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn; bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Bên cạnh đó, có những chung cư do giữa chủ đầu tư và BQT không thống nhất được việc phân chia diện tích chung riêng và diện tích mà chủ đầu tư giữ lại dẫn dẫn đến không quyết toán được số liệu, chậm bàn giao kinh phí bảo trì từ 1 – 3 năm.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho hay, việc lấn chiếm, sử dụng không gian thuộc sở hữu chung sử dụng vào mục đích riêng của các chủ sở hữu cũng là một trong những sai phạm tại không ít chung cư.

Nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức và cá nhân phổ biến, tuyên truyền pháp luật nhà ở, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý sử dụng nhà chung cư .

Đồng thời, nghiêm cấm chủ đầu tư chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung, sử dụng chung vào sử dụng riêng; sử dụng sai mục đích phần diện tích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt…

Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.

Nguồn

Next Post

Khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024

Mon Nov 11 , 2024
Tối ngày 9/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề Giao lộ sáng tạo đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sự kiện được tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU