Chi bồi dưỡng hằng năm mức cao nhất 198 tỷ đồng
Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban đối với dự án Luật Nhà giáo .
Trong đó, cơ quan soạn thảo đã đưa ra những thông tin đầy đủ, toàn diện về việc giá tác động chính sách, dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành luật sau khi được thông qua. Qua đó, với các chính sách dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo, dự kiến làm phát sinh tăng một số ngân sách.
Dự thảo luật quy định nhà giáo ngoài công lập cũng được chi trả kinh phí bồi dưỡng giống với nhà giáo công lập. Quy định này sẽ làm phát sinh chi phí bồi dưỡng đối với nhà giáo ngoài công lập.
Trong đó chủ yếu là phát sinh ngân sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông ngoài công lập do giáo viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên sẽ được bồi dưỡng từ nguồn kinh phí của cơ sở giáo dục.
Theo quy định về bồi dưỡng thường xuyên hiện hành, mỗi năm học giáo viên phải tham gia bồi dưỡng 120 tiết thông qua hình thức tập trung, từ xa hoặc bán tập trung.
Cơ quan soạn thảo tính toán, nếu thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo hình thức tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 198,75 tỷ đồng.
Còn nếu thực hiện theo hình thức từ xa, ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 39,75 tỷ đồng; nếu thực hiện theo hình thức bán tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 99,375 tỷ đồng.
Về quy định về bảo lưu tiền lương và phụ cấp đối với trường hợp nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền điều động hoặc biệt phái, Chính phủ khẳng định, không làm phát sinh thêm chi phí tiền lương và phụ cấp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhà giáo dạy liên trường thì phát sinh chi phí đi lại giữa các cơ sở giáo dục.
Theo cơ quan soạn thảo, chi phí này đang dự kiến đưa vào quy định về phụ cấp lưu động hiện đang được quy định và thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức với mức 0,2.
Dự kiến việc dạy liên trường sẽ chủ yếu tập trung vào các môn học đặc thù hiện đang thiếu giáo viên như môn Nghệ thuật, Tiếng Anh, Tin học. Đồng thời, việc cử giáo viên dạy liên trường sẽ tập trung vào số thừa cục bộ.
Căn cứ số liệu chiết suất trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, Bộ GD&ĐT dự tính, chi phí phát sinh để chi trả phụ cấp lưu động đối với giáo viên dạy liên trường/năm học khoảng 49,9 tỷ đồng.
Tiền lương tăng thêm cho nhà giáo hơn 12 nghìn tỷ mỗi năm
Về chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề, ban soạn thảo cho biết, ngân sách nhà nước sẽ phát sinh cho việc chi trả lương và phụ cấp ưu đãi nghề cho nhà giáo.
Theo đề xuất phương án quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định thì bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học. Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (thăng thêm 5%).
Theo đó, chi phí phát sinh dự tính tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo số liệu báo cáo tính đến tháng 5/2024 của địa phương, số giáo viên tuyển dụng trong năm học 2023 – 2024 là 19.474 người. Trong đó, mầm non 5.592 người, tiểu học 7.737 người, THCS 4.609 người, THPT 1.536 người.
Nếu được thực hiện chính sách xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì ngân sách nhà nước cần bổ sung 22 tỷ đồng/tháng tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho nhà giáo.
Cùng với đó, theo cơ quan soạn thảo, nếu bổ sung chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên thì hàng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỷ đồng. Đây cũng là mối quan tâm của đại biểu và dư luận xã hội trong những ngày qua.
Dự thảo luật này cũng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2, trước khi được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 – khai mạc vào ngày 21/10 tới đây.