Tiến độ mới nhất của dự án cao tốc hơn 47.000 tỷ đồng vừa đón Thủ tướng tới thị sát ngày mùng 5 Tết

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Cao Bằng còn 3,5 giờ

Sáng nay 2/2 (tức mùng 5 Tết Ất Tỵ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới động viên, tặng quà Tết cán bộ, công nhân trên công trường và kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Cùng đi thị sát tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Ảnh: VGP

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng. Dự án đã khởi công từ ngày 1/1/2024. Theo tiến độ, dự án hoàn thành năm 2026 nhưng đang phấn đấu thông xe trong năm 2025.

Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93 km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng).

Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dự án được thực hiện bởi liên danh Nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Với tổng mức đầu tư là 14.114 tỷ đồng trong giai đoạn 1, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỉ lệ 69,43%, tương đương 9.800 tỷ đồng, dự án này đã được hoạch định sẽ hoàn vốn trong khoảng thời gian 22 năm 4 tháng.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ. Dự án sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, kết nối vùng biên viễn địa đầu Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội và các cực kinh tế của cả nước.

Tiến độ mới nhất của dự án cao tốc hơn 47.000 tỷ đồng vừa đón Thủ tướng tới thị sát ngày mùng 5 Tết- Ảnh 2.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Ảnh: Chủ đầu tư

Đến nay, dự án đã cơ bản bàn giao mặt bằng toàn tuyến được 93,14 km /93,35 km, đạt 99,8% chiều dài tuyến. Các địa phương, cơ quan đang triển khai thủ tục xây dựng 6 khu tái định cư và thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật (22 vị trí đường điện cao thế), tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Về thi công, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công “3 ca 4 kíp”, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 36 mũi thi công, 650 thiết bị, 1.500 nhân sự, đã hoàn thành thông hai hạng mục hầm xuyên núi. Tổng sản lượng thực hiện các gói thầu được 1.360,01/10.056,85 tỷ đồng, đạt 13,52% hợp đồng, nhanh hơn 0,54% so với kế hoạch.

Tiến độ mới nhất của dự án cao tốc hơn 47.000 tỷ đồng vừa đón Thủ tướng tới thị sát ngày mùng 5 Tết- Ảnh 3.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, phấn đấu thông xe vào năm 2025.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ bao gồm việc mở rộng tuyến hiện có dài 93,35 km và xây dựng mới tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27,71 km.

Cửa ngõ giao thương với Trung Quốc

Là tỉnh miền núi với hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Cao Bằng có vị trí chiến lược quan trọng và có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tễ-xã hội. Song, nhiều năm qua, Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh miền núi khó khăn của cả nước.

Từ Cao Bằng, muốn tiếp cận các thành phố lớn khác chỉ có 2 tuyến quốc lộ là: quốc lộ 3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng) và quốc lộ 4A (Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng). Thời gian di chuyển từ 6 – 7 giờ, qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở.

Tiến độ mới nhất của dự án cao tốc hơn 47.000 tỷ đồng vừa đón Thủ tướng tới thị sát ngày mùng 5 Tết- Ảnh 4.

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc.

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn – Thái Nguyên – Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang – Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.

Xa hơn, là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN sang Trung Á và châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.

Ngoài ra, Dự án giúp kết nối các trục ngang tuyến trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế khu vực phía Bắc, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Duy Anh

 

Nguồn

Next Post

Việt Nam sắp có ngân hàng tư nhân đầu tiên sở hữu tổng tài sản đạt mốc 1 triệu tỷ đồng

Sun Feb 2 , 2025
Ảnh minh hoạ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 đạt 978,8 nghìn tỷ đồng, tăng 129.300 tỷ (tương đương 15,2%) so với hồi đầu năm. […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU