Quy mô phái đoàn được xem là lớn nhất từ trước đến nay với 52 tập đoàn lớn, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Trong lần tiếp các tập đoàn lớn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói sẽ tạo thuận lợi để họ mở rộng đầu tư và gợi ý các doanh nghiệp tham gia dự án sân bay Long Thành. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ tham gia với vai trò nhà thầu, nhà cung cấp vật tư thiết bị.
“Chính phủ đang nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc. Trong năm 2023, bên cạnh các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang được Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ có thể tìm hiểu thêm thông tin về dự án sân bay Long Thành và quan tâm, tham gia dự án trong vai trò là nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Nói với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác hàng đầu và sẽ đồng hành giải quyết khó khăn trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng đề nghị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư tại Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của Mỹ.
Thủ tướng cũng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các vấn đề liên quan đến visa, giấy phép lao động… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sân bay Long Thành là dự án quan trọng cấp quốc gia của Việt Nam. Với tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, dự án dự kiến về đích năm 2025. Tuy nhiên, việc tìm nhà thầu triển khai gói thầu xây nhà ga hành khách tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 đang gặp khó khăn khi không có hồ sơ đáp ứng yêu cầu.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không ( ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu), tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ đồng, ACV tự thu xếp vốn. Gói thầu thi công nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3, tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng, dự kiến ngày 28/3 sẽ chấm thầu lần 2.