Thông tư quan trọng về giãn nợ chính thức hết hiệu lực, nợ xấu các ngân hàng có tăng đột biến?

Ngày 31/12/2024, gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN (TT02) về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã chính thức hết hiệu lực.

Trước đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Ban đầu, Thông tư 02 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh phục hồi chậm và vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ngày 18/6/2024, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2024/TT/NHNN kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 đến hết ngày 31/12/2024.

Sau hơn 1 năm rưỡi đi vào có hiệu lực, việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02); được sửa đổi bởi Thông tư 06/2024/TT/NHNN, được ban hành và gia hạn đã giúp tháo gỡ phần nào khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng cũng như làm giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay mới cho người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá về việc Thông tư 02 hết hiệu lực, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán BSC cho rằng, việc này không gây ảnh hưởng đáng kể lên bảng cân đối của các ngân hàng, sẽ không có sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ xấu cũng như chi phí dự phòng.

BSC phân tích, dư nợ tái cơ cấu TT02 chiếm tỷ trọng thấp, cuối quý 3/2024 là khoảng 1,6% dư nợ toàn hệ thống, trong đó chỉ có 1 số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung như VPBank (2,5%), MSB (1,2%), TPB (0,8%), còn lại đều nhỏ hơn 0,5%.

Hơn nữa, để đáp ứng quy định thì các ngân hàng đều phải trích lập dự phòng cụ thể bổ sung đủ 100% trong 2024, và qua trao đổi thì tại cuối quý 3/2024 hầu hết các bên đều đã trích lập đủ hoặc gần đủ. Ngoài ra thì các khách hàng vẫn trong thời hạn tái cơ cấu (tối đa 12 tháng) thì vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng thông tư này kể cả khi hết hiệu lực.

Tương tự, theo dự báo của Công ty chứng khoán VCBS, nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và ảnh hưởng của việc Thông tư 02 hết hiệu lực không lớn.

VCBS cho biết, cuối quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đi ngang đạt 2,2% trong 3 quý liên tiếp. Tỷ lệ nợ nhóm 2 liên tục giảm còn 1,7%. Tỷ lệ nợ gốc tái cơ cấu theo Thông tư 02 tương đối thấp ước tính dưới mức 0,5%. Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC của các ngân hàng niêm yết ở mức 0,2%. Các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi ghi nhận khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1% dư nợ toàn hệ thống.

Nợ xấu đã đạt đỉnh và dự kiến đi ngang trong quý 4 bởi: : (1) Yếu tố mùa vụ khi dư nợ tín dụng tăng đột biến vào tháng cuối năm chưa phát sinh nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành trong Q4 thường thấp, (2) Các ngân hàng thường đẩy mạnh trích lập xóa nợ xấu trong Q4; (3) Thông tư 53 hướng dẫn việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và Quyết định số 1510/QĐ-TTg cho phép giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với cho khách hàng chịu thiệt hại do bão Yagi giúp giảm mức độ gia tăng nợ xấu và áp lực trích lập cho các ngân hàng. Trong khi đó, chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào 31/12/2024 sẽ ở mức thấp.

Tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng giảm dần trong 2025 nhờ: (1) Tỷ lệ nợ xấu tiềm tàng (nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu) hạ thấp dần giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới; (2) Kỳ vọng các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ Quý 2/2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi.

Thông tư quan trọng về giãn nợ chính thức hết hiệu lực, nợ xấu các ngân hàng có tăng đột biến?- Ảnh 2.

Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý, chất lượng tài sản có sự phân hoá giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu kiểm soát ở mức vừa phải. Trong khi đó, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn sau 31/12/2024, và rủi ro nợ kéo theo trên CIC đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập tăng cao trong quý 4/2024 và năm 2025.

Nguồn

Next Post

Giá gạo Việt Nam tiếp tục lao dốc, nông dân lo lắng

Sun Jan 5 , 2025
Theo cập nhật từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm thêm 8 USD so với cuối năm 2024 và hiện chỉ còn 473 USD. Tương tự, gạo 25% tấm giảm 16 USD còn 438 USD/tấn. Đây đều là mức […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU