Vào ngày 21/02, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp thuế Chống
bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với thép HRC từ Trung Quốc với mức thuế khoảng 19% – 28%.
Theo MBS, thuế chống bán phá giá (CBPG) được đánh giá là có yếu tố quyết định trong việc giành lại thị phần của các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh thị trường nội địa đang bị cạnh tranh gay gắt.

Thép nhập khẩu tăng mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh mức độ chênh lệch giá giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ở mức cao.
Với mức thuế đối với đa số các doanh nghiệp Trung Quốc ở mức 28%, MBS dự báo mức chênh lệch giữa thép Việt Nam và Trung Quốc có thể giảm xuống mức 45 – 50 USD/tấn (chưa bao gồm các chi phí như vận tải, lưu kho).

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng (HRC) được dự báo tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 2025 – 2026 lên mức 16,3 – 17,9 triệu tấn với động lực tăng trưởng đến từ tiêu thụ ngành tôn mạ cũng như các ngành sản xuất khác như sản xuất ô tô. Cùng với đó, kể từ sau năm 2026 nhu cầu dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các dự án giao thông như đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Với 2 yếu tố then chốt đến từ áp lực giảm giá của thép Trung Quốc hạ nhiệt cũng như nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, giá thép HRC nội địa theo dự báo của MBS sẽ phục hồi kể từ quý 2/2025 và đạt mức 590/634 USD/tấn (tăng 8%/9% so với cùng kỳ năm trước).

Hòa Phát (HPG) được dự báo là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất ngành với thành phẩm thép cán nóng (HRC) chiếm khoảng 33% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2024.
MBS dự báo nhà máy sẽ hoạt động 100% công suất vào năm 2028 và đóng góp khoảng 5,6 triệu tấn, góp phần giúp sản lượng HRC đạt 8,6 triệu tấn (tăng 187% so với năm 2024).

Đối với các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen (HSG) hay Nam Kim (NKG), MBS đánh giá các doanh nghiệp có thể hưởng lợi trong ngắn hạn do tích trữ hàng tồn kho giá rẻ từ trước khoảng 1-2 quý và có thể điều chỉnh tăng giá bán trong bối cảnh giá HRC hồi phục.