Gần 2 tỷ USD là số vốn đăng ký đầu tư FDI vào tỉnh Bắc Ninh ngay đầu năm 2025, gần bằng tổng vốn FDI thu hút vào tỉnh năm 2022, điều này cho thấy tín hiệu tốt trong thu hút vốn FDI. Đáng chú ý có dự án của nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu đã tăng thêm 1,2 tỷ USD. Là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI với trên 5 tỷ USD trong năm 2024, vốn điều chỉnh trong lĩnh vực điện – điện tử, bán dẫn tăng mạnh ở khu vực FDI đã kéo theo sự tăng trưởng của các DN phụ trợ nội địa, giúp hình thành chuỗi cung ứng công nghệ cao, tạo cú huých cho tăng trưởng.
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh căn cứ vào dư địa và đặc biệt là về chủ trương phát triển công nghiệp công nghệ cao, gắn với việc thúc đẩy phát triển các DN địa phương, các DN trong nước để tạo ra hệ sinh thái để hỗ trợ. “Bắc Ninh kiên quyết cải cách các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí và công khai, minh bạch nhất trong tất cả các thủ tục cho DN”, ông Tuấn khẳng định.
Năm 2024, đầu tư FDI vào tỉnh Quảng Nam tiếp tục gia tăng. Hiện địa phương này có 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD, mỗi năm đóng góp ngân sách cho tỉnh hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 62.000 lao động địa phương… Quảng Nam xác định hạ tầng “cứng” và cơ chế “mềm” là điều kiện quan trọng để địa phương chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh có nhiều chuyến công tác đến các nước, xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua tỉnh luôn chắt chiu nguồn lực, xây dựng môi trường thuận lợi, đón các nhà đầu tư bằng tấm lòng rộng mở và đồng hành, sẻ chia với các doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài xem mảnh đất này là điểm đến hấp dẫn và đáng tin cậy để cùng hợp tác, mở ra giai đoạn phát triển mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Nam vươn lên trở thành tỉnh khá của cả nước.
“Quảng Nam tiếp tục xúc tiến đầu tư, mời gọi và hỗ trợ cho các DN đầu tư vào Quảng Nam. Hiện nay, nhiều DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, nếu địa phương không có giải pháp, không hỗ trợ kịp thời, DN rất khó vượt qua giai đoạn này, thậm chí có thể rút lui khỏi thị trường. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ có trách nhiệm trong việc triển khai các giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN đầu tư phát triển”, ông Dũng bày tỏ.
Năm vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đầu tư vào Việt Nam thêm gần 14 tỷ USD, tăng trên 50% so với trước. Điều này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư và giải ngân bền vững hơn của dòng vốn này vào nền kinh tế Việt Nam. Mới đây, Nghị định số 182 về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư vừa ban hành có những chính sách thu hút dòng vốn công nghệ cao được dự báo sẽ thúc đẩy vốn FDI vào Việt Nam hơn nữa.
Nhờ vậy, tổng vốn FDI năm 2024 ước tính giải ngân trên 25 tỷ USD, cao nhất trong 6 năm qua, cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các con số này đã cho thấy dòng vốn ngoại ngày càng triển khai nhanh đi vào thực chất của nền kinh tế.
“Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ, Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị, sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Các điều kiện cơ bản như đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực đã có rất nhiều đổi mới trong năm 2024, nhất là nguồn nhân lực có sự đào tạo 50.000 kỹ sư, người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và chip bán dẫn. Khi tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, rõ ràng Việt Nam đã cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại, sẽ là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.
Theo các chuyên gia nước ngoài, khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam nhờ 3 yếu tố chính, sự ổn định của môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thứ hai là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, pháp lý và cuối cùng là vị trí chiến lược trong thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, thu hút FDI toàn cầu năm 2025 còn nhiều thách thức, đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.