Temu thay đổi chính sách với thị trường Việt Nam, chỉ cho phép khách chốt mỗi đơn hàng trong phạm vi 900.000 đến một triệu đồng.
Khoảng một tuần qua, Temu bắt đầu thay đổi chính sách bán hàng tại Việt Nam. Theo đó, khách hàng hiện chỉ có thể chốt đơn với giá trị tối thiểu 887.000 đồng và không quá 1.000.000 đồng.
Anh Trần Hiếu (quận 8, TP HCM) cho biết bất ngờ trước quy định mới. Hôm 11/11, thử “săn sale” trên Temu thì đơn hàng của anh được gợi ý mua thêm cho đủ giá trị tối thiểu để thanh toán. Ngược lại, nếu hơn một triệu đồng thì sàn tự động đề xuất loại bớt sản phẩm để thanh toán cho đơn sau. “Chính sách mới buộc mức chi mỗi đơn hàng xấp xỉ 900.000 đồng và phải thanh toán trước thì tôi thấy kém hấp dẫn so với sàn nội địa”, Hiếu nói.
Trước đó, đầu tháng 10, khi thâm nhập thị trường Việt Nam, Temu giao mọi đơn hàng không có mức sàn và trần về giá trị. Đơn chỉ cần tối thiểu 120.000 đồng để miễn phí vận chuyển. Đến cuối tuần trước, giá trị tối thiểu được thiết lập ở mức 632.000 đồng, trước khi tiếp tục tăng lên gần 900.000 đồng từ tuần này.
Trên ứng dụng, Temu lý giải đơn hàng tối thiểu giúp “cung cấp nhiều mặt hàng hơn với giá thấp hơn” và “ngăn ngừa lãng phí bao bì”, trong khi không có giải thích lý do có giá trị tối đa.
Tuy nhiên, theo quyết định của Chính phủ từ 2010, hàng giá trị dưới 1 triệu bán qua các sàn online xuyên biên giới được miễn thuế. Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông (VNPT) vào tháng 3/2023, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bỏ quy định miễn thuế cho hàng dưới 1 triệu.
Hôm 8/11, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với những tờ khai vận chuyển hàng hóa không có thông tin về website, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Hàng khai đủ thông tin nhưng các website, sàn bán lẻ online chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam cũng không được thông quan.
Trên ứng dụng, Temu thông báo với người dùng rằng đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Dù có yêu cầu không thông quan sàn chưa đăng ký, Temu vẫn cam kết đền 25.000 đồng nếu giao trễ, hoàn tiền nếu trong 15 ngày không cập nhật tiến độ giao hàng.
Minh Đạt (quận 7, TP HCM) cho biết vẫn nhận được phụ kiện trang trí Giáng sinh hôm 9/11 cho đơn hàng đặt mua trên Temu ngày 29/10. “Đơn này có chậm hơn lần đầu tôi mua nhưng vẫn giao được”, anh xác nhận.
Tuy nhiên, một số khách hàng đã cảm nhận tắc nghẽn. Chị Mỹ Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt một đơn hàng trên Temu ngày 4/11 và được thông báo sẽ nhận được trong khoảng 7-10/11. Tuy nhiên, đến 5/11, đơn của chị được thông báo có thể bị trì hoãn “do bão và các điều kiện thời tiết khác”. “Hôm nay đã 12/11 nhưng tôi vẫn chưa thấy cập nhật mới”, chị nói.
Thực tế, không chỉ Temu, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein cũng đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký. Đây là bất cập trong quản lý và tiềm ẩn rủi ro về hàng giả, kém chất lượng và trốn thuế, theo cơ quan quản lý.
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết cơ quan này đã làm việc với bộ phận pháp lý của các doanh nghiệp sở hữu các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein. “Bộ Công Thương yêu cầu họ khẩn trương đăng ký trong tháng 11”, Thứ trưởng nói.
Cho đến nay, ngoài Temu có các động thái thay đổi chính sách và thông báo đang tiến hành đăng ký hoạt động tại Việt Nam với người dùng, Shein vẫn duy trì hoạt động như cũ. Hầu hết đơn hàng của Shein vẫn được miễn phí vận chuyển không yêu cầu giá trị tối thiểu hoặc tối đa.
Thử đặt mua một túi đeo chéo trị giá 88.000 đồng trên Shein ngày 13/10. Minh Hiếu cho hay nền tảng này hỗ trợ cả thanh toán bằng tiền mặt, miễn phí vận chuyển và dự kiến thời gian giao hàng 6-7 ngày.
Viễn Thông