Quy định này nhằm thực hiện theo Quyết định 09/2023/ định 09/2023/ NQ-HĐND về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (có vốn 100% trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố có thể vay tối đa 200 tỷ đồng/dự án, được ngân sách hỗ trợ lãi suất, thời gian hỗ trợ khoản vay tối đa 7 năm.
Ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành lấy ví dụ, một dự án có tổng đầu tư 1.000 tỷ đồng, thành phố cho vay 200 tỷ đồng hỗ trợ 100% lãi suất là quá tốt. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp cận được gói vay ưu đãi của thành phố, doanh nghiệp mong muốn các thủ tục pháp lý chuẩn bị xây dựng nhà ở xã hội mà các cơ quan nhà nước được phân công thực hiện cho doanh nghiệp cần phải triển khai nhanh chóng. Bởi một dự án nhà ở xã hội khi có đầy đủ giấy phép để doanh nghiệp có thể bắt tay ngay vào xây dựng mới có thể giải ngân được khoản vay hỗ trợ lãi suất từ ngân sách thành phố.
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, đối với những doanh nghiệp có dự án sau khi đã đầy đủ thủ tục pháp lý, thành phố nên căn cứ vào bản thẩm định vay vốn của ngân hàng để triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất. Thực tế là các ngân hàng thương mại hiện nay cho vay, thẩm định dự án… thường làm rất nhanh và chuyên nghiệp. Nếu ngân hàng đã đồng ý cho vay, thành phố chỉ cần dựa vào thẩm định đó để tiến hành ngay việc cho vay vốn ngân sách hỗ trợ lãi suất. Điều này giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có đủ pháp lý xây dựng dự án, được ngân hàng cam kết cho vay, có thể thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ của thành phố để làm nhà ở xã hội, qua đó tăng tiến độ công trình, sớm hoàn thành để đưa sản phẩm nhà ở xã hội đến người dân thụ hưởng.
Ngoài ra, theo cơ chế chính sách chung hiện nay, nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được dùng 20% tổng diện tích đưa vào diện bản và kinh doanh thương mại, qua đó tăng thêm lợi nhuận cho nhà đầu tư làm nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội mong muốn nhà nước cho phép tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần đối với đất làm nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.
Để chính sách dễ đi vào cuộc sống, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Hoàng Quân còn đề xuất TP. Hồ Chí Minh ghép ba loại nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở công nhân vào thành một khái niệm là nhà ở xã hội, phù hợp với 11 đối tượng mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, thành phố có thể cho phép các chủ đầu tư xây dựng nhà ở ven khu công nghiệp thay vì làm trong khu công nghiệp để khuyến khích nhiều doanh nghiệp có thể tạo lập dự án nhà ở xã hội ngay ở các quận huyện vùng ven thành phố nhằm tăng cung nhà ở xã hội.
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tạo lập được khoảng 93.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đồng thời, thành phố cũng đang tạo lập 46.000 căn nhà cho chương trình tái lập nhà ven kênh rạch trong quá trình chỉnh trang đô thị. Thành phố mời gọi nhà đầu tư tham gia vào 7 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật kết nối, đã có 12 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà ở xã hội, với tổng số hơn 40.000 căn hộ.
Việc TP. Hồ Chí Minh dùng ngân sách cho vay hỗ trợ lãi suất mỗi dự án nhà ở xã hội 200 tỷ đồng không tính lãi suất sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện các dự án dang dở nhiều năm qua và tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm các cơ hội xây dựng nhà ở xã hội. Các ngân hàng cũng kỳ vọng từ chính sách này sẽ kích thích thị trường tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cải thiện hơn nữa.