Nguy cơ thiếu điện lặp lại
Lý giải cho nguy cơ thiếu điện thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, Quy hoạch điện 8 đưa ra tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn đến năm 2025 chỉ tăng dự kiến hơn 9%, trong khi 7 tháng của năm 2024, tiêu thụ điện của cả nước tăng 13,7%, trong thực tế tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cả nước đều đạt hai con số. Trong khi đó, đưa ra một số dữ liệu, Bộ Công thương nhấn mạnh, việc tăng nguồn trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, điện khí có 23 dự án được đầu tư và đưa vào vận hành đến năm 2030, nhưng đến nay chỉ có 2 dự án đang chuẩn bị về đích, dự kiến đưa vào vận hành thương mại tháng 5 năm sau. Điện khí đối diện nhiều thách thức, trong khi điện than – nguồn quan trọng và chủ yếu trong mùa hè khi thủy điện cạn nước – lại không dễ đầu tư thêm khi loạt dự án đều đang gặp khó khăn về tiến độ, nguồn vốn đầu tư, một số đang xin chuyển đổi công năng bởi quy hoạch từ sau năm 2030 sẽ không tiếp tục phát triển nhà máy nhiệt điện mới nữa.
Bên cạnh đó, nguồn thủy điện cũng đã được khai thác gần hết dung lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn nước về hồ ít luôn gây căng thẳng, khó khăn cho ngành điện vào mùa khô. Cuối cùng, nguồn điện những tưởng phong phú, dễ huy động là điện gió thì theo Bộ Công thương cũng đang “hụt hơi”, mất sức bởi thiếu loạt quy định, pháp lý liên quan, không thể triển khai thêm điện gió ngoài khơi được. Đến nay, đã có một số nhà đầu tư điện gió lớn nước ngoài rời cuộc chơi, đóng cửa văn phòng. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, điện gió rất khó đạt mục tiêu đưa ra trong Quy hoạch điện 8 là đạt 6.000 MW đến năm 2030.
Còn lại, nguồn điện có thể tăng nguồn trong thời gian ngắn chỉ có thể là điện mặt trời mái nhà. Nhưng theo tính toán, nếu áp theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện mặt trời là 12.836 MW thì quy mô điện mặt trời phát triển đến trong vòng 5 năm nữa không nhiều, chỉ tăng thêm 1.500 MW.
Trong ngắn hạn, Bộ Công thương cho rằng, việc tăng quy mô phát triển các dự án điện mặt trời (có thời gian triển khai nhanh) để đáp ứng khả năng cung ứng điện trong thời gian tới là cần thiết. Ngoài ra, các nguồn điện khác cũng có thể ưu tiên để điều chỉnh trong quy hoạch như điện sinh khối, điện rác, thủy điện tích năng, pin lưu trữ hay nguồn nhập khẩu điện từ Lào, nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu điện những năm tới.
Góp ý cho dự thảo luật Điện lực sửa đổi, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận, cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách giá. Theo ông Thịnh, tình trạng thiếu điện cục bộ như từng xảy ra ở miền Bắc năm ngoái có thể tái diễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống.
Theo quy hoạch của Chính phủ, VN cần đạt tổng công suất 150.489 MW vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện. Tuy nhiên, hiện tại ngành này mới chỉ đạt 80.000 MW, nghĩa là trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp phải nỗ lực để sản xuất thêm 70.000 MW – một con số áp lực. Để giải quyết thách thức này, ông Thịnh nhấn mạnh nên đưa giá điện về theo cơ chế thị trường, bởi giá điện hiện tại vẫn còn mang màu sắc “bao cấp” và chưa phản ánh đúng chi phí sản xuất, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, không đủ nguồn lực để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai.
Sửa Quy hoạch điện 8 trước cả sửa luật Điện lực
Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, nói rằng việc điều chỉnh Quy hoạch điện 8 lẽ ra phải được thực hiện từ năm ngoái. Bởi ngay sau khi được ban hành, những con số về nhu cầu nguồn so với quy hoạch đưa ra đã lạc hậu. Nếu không sửa luật Điện lực, không điều chỉnh Quy hoạch điện 8 sớm, sẽ không đủ điện để bảo đảm phát triển kinh tế. Thế nên theo ông, cần thiết phải sửa ngay Quy hoạch điện 8 để có chủ động, đừng để khủng hoảng như Quy hoạch điện 7 chậm sửa đổi, gây bao tổn thất, hệ lụy. Trong đó, việc tăng công suất điện mặt trời là việc làm nhanh và dễ nhất, nếu lưới bảo đảm.
Thực tế trước đây, khi bàn về đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với cam kết giảm phát thải ròng, điện mặt trời và điện gió đều được ưu tiên phát triển, trong đó điện gió được ưu tiên hơn. Thế nhưng theo các chuyên gia, khảo sát đến nay cho thấy sản lượng điện gió trên bờ đã đạt gần mức quy hoạch đưa ra đến năm 2030, trong khi điện gió ngoài khơi chưa thể triển khai bởi ngay cả quy hoạch biển, khu vực nào có thể trồng được trụ gió, khu vực nào cấm… vẫn chưa có. “Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh tăng sản lượng điện mặt trời có trong Quy hoạch điện 8 là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, và cần được triển khai gấp, song song với sửa luật Điện lực. Thậm chí nếu luật Điện luật sửa đổi chưa kịp ban hành, Thường vụ Quốc hội có thể ra nghị quyết để sửa đổi quy hoạch trước…”, TS Ngô Đức Lâm nêu quan điểm.
Vấn đề là nguồn điện mặt trời đầu tư sẽ rất nhanh, nhưng khó nhất là vận hành lưới điện như thế nào. Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, các công trình lưới điện đồng bộ theo Quy hoạch điện 8 hầu như chưa thấy. Thứ hai, ngay cả các dự án năng lượng tái tạo đề xuất mới đã được cập nhật vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, nhưng việc đấu nối thế nào và phương án đấu nối… vẫn chưa được xác định. Thách thức đối với phát triển nguồn điện mặt trời mới cũng còn hiện hữu bởi áp lực lưới, phát triển lưới điện. “Dự án điện mặt trời thời gian qua chững lại vì không có quy định, nay tăng thì cơ chế có ngay, chứ cứ đưa quy định ra, rồi chờ tiếp hướng dẫn, kế hoạch mòn mỏi, hiệu quả một chính sách sẽ bị giảm mạnh”, ông Đình chia sẻ.
Đồng tình, TS Ngô Đức Lâm cho rằng điện mặt trời lắp rất nhanh, vấn đề là tăng nguồn ở khu vực nào. “Khi Bộ Công thương đề xuất, tôi nghĩ Bộ đã tính toán sẽ đặt thêm tấm pin mặt trời ở đâu. Trước đây, Tập đoàn điện lực VN có báo cáo khu vực phía bắc còn dư địa để phát triển điện mặt trời rất lớn, có thể cao gấp nhiều lần so với hiện tại do lưới còn thênh thang. Thế nên theo tôi đoán, việc tăng nguồn điện mặt trời trong ngắn hạn, có thể ưu tiên miền Bắc trước, nơi lưới điện đang đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, khu vực miền Nam và miền Trung có thể được khảo sát tỉ mỉ từng địa phương, xem địa phương nào, vùng nào có thể phát lên lưới được, sẽ cho mở rộng phát triển”, TS Ngô Đức Lâm đề xuất.