Đó là chia sẻ đáng chú ý của Starbucks Việt Nam tại sự kiện mới đây. Theo vị này, những năm trở lại đây, hành vi tiêu dùng thay đổi rất nhiều. Trong đó, nếu ngày xưa vị trí đắc địa đi cùng với trang trí bắt mắt thu hút khách hàng, thì ngày nay vị trí đắc địa không còn là điểm đến cho nhiều bên kinh doanh nữa.
Khi được hỏi về việc rút khỏi mặt bằng “vàng” 11-13 Hàn Thuyên, đại diện Starbucks Việt Nam có bày tỏ sự tiếc nuối. Song, theo vị này do hết hợp đồng và không thương thảo giữ được giá thuê cũ nên Starbucks Reserves quyết định trả mặt bằng. Hiện, thương hiệu đã tìm được vị trí mới và dự kiến sẽ mở lại Starbucks Reserves ngay toà Bitexco (Hải Triều, quận 1, Tp.HCM).
“Ở đâu cũng vậy thôi, và doanh nghiệp nào cũng vậy: Starbucks hay những đơn vị kinh doanh nhỏ thì tiền thuê mặt bằng luôn là áp lực lớn với chúng tôi”, đại diện nói thêm.
Được biết, Starbucks là thương hiệu cà phê đến từ Mỹ, đã có mặt ở Việt Nam 11 năm. Hiện, thương hiệu này đang có 125 cửa hàng (tính đến tháng 12/2024) tại 16 tỉnh thành, với hơn 1.200 nhân viên.
Những ngày đầu, Starbucks ưu tiên mở cửa hàng tại các thành phố lớn hoặc địa điểm du lịch, thì hiện nay Công ty đang có chính sách mở rộng sang nhiều địa phương toàn quốc. Năm qua, thương hiệu đã lần lượt mở cửa hàng mới tại các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Huế, Hạ Long và Đà Lạt
“Chúng tôi thời gian qua đang đi theo chính sách địa phương hoá hơn, đi đến nhiều nơi hơn và đó là những thay đổi mới của Starbucks Việt Nam. Năm 2025 sẽ là năm công ty phát triển rộng hơn nữa ở những tỉnh thành khác” , đại diện cho hay.
Mở rộng và địa phương hoá, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng Starbucks đang dần đánh mất những giá trị cốt lõi truyền thống của mình – bí quyết xây dựng thành công của thương hiệu. Trên toàn cầu, Starbucks liên tục đối mặt với những ý kiến trái chiều và cho rằng nhãn đang cố gắng tìm lại giá trị ban đầu: đơn cử việc ghi tên khách hàng trên ly nhằm cá nhân hoá sản phẩm…
Trước quan điểm này, phía Starbucks Việt Nam cho rằng đúng là có nhiều quan điểm như vậy, nhưng thực ra thương hiệu không hề rời xa giá trị truyền thống. Mặt khác, do hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi rất nhiều nên Starbucks phải ứng biến cho phù hợp.
Vị này cũng lấy những điểm cụ thể chứng minh Starbucks không hề đánh mất “bản sắc” riêng, như chất lượng đào tạo nhân viên, dịch vụ khách hàng tỉ mỉ và chất lượng sản phẩm được chọn lọc kỹ càng.
“Chúng tôi luôn cố gắng làm sao để thuận tiện nhất cho khách hàng. Ví dụ nếu khách hàng nào muốn ít ngọt thì nhân viên sẵn sàng điều chỉnh cho đúng với khẩu vị khách hàng.
Các bạn có bao giờ để ý khi vào Starbucks dù đông nhưng không cảm thấy bị ồn, bị nhức đầu? Thực tế, khi thiết kế quán chúng tôi luôn có tính toán để giảm tiếng ồn. Hay, với diện tích có thể để 100 ghế nhưng Starbucks chỉ để 60 ghế thôi, nhằm đảm bảo không gian thoả mái cho khách hàng”, đại diện nói thêm.
Còn chiến lược địa phương hoá, theo vị này tức là Starbucks đang ngày càng mở rộng bao tiêu cà phê các vùng đặc sản tại Việt Nam, bên cạnh những dòng Abrica ngon nhất thế giới. Thương hiệu cũng tích cực các chiến dịch nhỏ nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay tại Việt Nam. Ví dụ, tại Starbucks, khách hàng khi sử dụng ly cá nhân (thay vì dùng ly nhựa mang đi của nhãn) sẽ được giảm 10.000 đồng/sản phẩm. Mới đây, thương hiệu được biết kết hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia để trồng rừng với mục tiêu 1 tỷ cây xanh; trong đó mỗi túi giấy khách hàng mang đi sẽ có giá 500 đồng/túi (trước kia là tặng free), toàn bộ số tiền bán túi giấy sẽ gửi cho Gaia để phục vụ chiến dịch trồng rừng phủ xanh.
Theo Nhịp sống thị trường
Copy link
Lấy link!
https://markettimes.vn/starbucks-viet-nam-noi-vi-tri-dac-dia-khong-con-la-dieu-quan-trong-nhat-tiet-lo-ke-hoach-mo-rong-ra-cac-dia-phuong-tren-toan-quoc-73012.html