Sơn thếp truyền thống trong di tích kiến trúc vùng đồng bằng Bắc bộ

Với đường nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng lấp lánh của vàng quỳ cùng những đề tài trang trí phong phú mang ý nghĩa tốt lành, cao quý đã đưa đồ gỗ sơn thếp gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự và trở thành những vật quý giá, linh thiêng.

Vai trò của đồ gỗ sơn thếp trong di tích

Đồ gỗ sơn thếp thường là các thành phần quan trọng, được đặt tại các vị trí trung tâm trong di tích. Đồ gỗ sơn thếp trong di tích rất đa dạng và phong phú. Ở mỗi một vị trí, đồ gỗ sơn thếp đều có vai trò nhất định và mang những giá trị riêng.

Theo công năng sử dụng, đồ gỗ sơn thếp được chia thành 2 loại: Các thành phần bài trí nội thất và các cấu kiện trong di tích. Trong đó, đồ gỗ sơn thếp được sử dụng nhiều nhất là các thành phần bài trí nội thất trong di tích, bao gồm: Đồ thờ tự, đồ trang trí, đồ phục vụ hành lễ. Ngoài các thành phần bài trí nội thất trong di tích, các cấu kiện gỗ ở khu trung tâm như hệ thống vì, cột, xà, trần…cũng được sơn thếp. Khác với các thành phần bài trí nội thất, các cấu kiện gỗ thường sử dụng các loại gỗ tứ thiết có độ bền chắc cao, có khả năng chịu lực tốt, ít co ngót cong vênh. Các trang trí trên cấu kiện gỗ nhìn chung đơn giản hơn so với các thành phần bài trí nội thất. Chi tiết hoa văn thường lớn hơn như trên câu đầu, con chồng, ván mê… và được chạm nổi. Một số đầu dư trang trí cầu kỳ có thể áp dụng thêm kỹ thuật chạm kênh bong.

Có thể nói, đồ trang trí, nội thất trong di tích là nơi tập trung các kỹ thuật chạm khắc, được sơn thếp công phu và tỷ mỉ nhất. Việc sơn thếp trên các đồ trang trí, nội thất đòi hỏi những thao tác, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nghệ nhân do các chi tiết trang trí rất phức tạp với các kỹ thuật chạm khắc gỗ như kỹ thuật chạm nét, chạm nổi có nền được sử dụng để tạo tác các hoa văn, họa tiết trang trí trên bề mặt câu đối, chữ của các bức đại tự hay các trang trí trên cấu kiện gỗ… kỹ thuật chạm kênh bong, chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng chủ yếu xuất hiện trên các hương án, sập thờ, bát bửu, ván trang trí, ván gió,…. Những chi tiết hoa văn trải qua các bước sơn thếp truyền thống với những mảng nền màu son, màu then được thếp vàng, mang đến sinh khí, sự linh thiêng thể hiện đậm nét tinh thần của người Việt.

Ban thờ chính Chùa Dâu – Bắc Ninh

Các đồ gỗ sơn thếp trong di tích còn là một kho tàng về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, đây là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu nhằm hệ thống hóa các đặc điểm mỹ thuật của từng giai đoạn, từng thời kỳ, là cơ sở, căn cứ cho việc phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích.

Nắm giữ vai trò và vị trí quan trọng trong di tích, đồ gỗ sơn thếp không chỉ thể hiện quan niệm nhân sinh, tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của cha ông mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng… Các thành phần trang trí sơn thếp vừa thể hiện tính linh thiêng, sự uy nghi, tính thẩm mỹ, vừa có tác dụng bảo vệ, kéo dài tuổi thọ cho các cấu kiện, nội thất trang trí hay các hiện vật trong di tích.

Để tạo ra một sản phẩm đồ gỗ sơn thếp, ngoài bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người thợ thì nguyên liệu sử dụng là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của mỗi tác phẩm.

Ban thờ chính đình Nhân Lý – Hải Dương

Nguyên liệu và vai trò của từng thành phần

Phỏng vấn các nghệ nhân tại một số làng nghề cho thấy, thành phần và các bước sơn thếp ở mỗi vùng có sự khác nhau không nhiều và đều có những đặc điểm chung về nguyên vật liệu, dụng cụ và cách thực hiện. Nguyên liệu chính của sơn thếp truyền thống bao gồm: Sơn ta, dầu trẩu, đất thó, mùn cưa… Các nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng với những yêu cầu khắt khe cho từng loại như sau:

Sơn ta: Gồm sơn sống và sơn chín. Loại sơn sống được lấy từ vùng đất Phú Thọ là loại sơn già, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sơn. Nhựa sơn để lắng đã đứng mặt thì ta có thể hớt, gạn ra từng loại, chia riêng ra từng sải để tiện việc sử dụng.

Sơn chín có hai loại chính là sơn cánh gián và sơn đen. Sơn chín dùng để sơn thí, sơn quang, tùy theo yêu cầu cần thiết trong thực tế mà người ta sử dụng sơn cánh gián hoặc sơn đen.

Than xoan: Than xoan dùng để đánh bóng sản phẩm. Trong quá trình mài, bề mặt sản phẩm xuất hiện các vết mài của đá, lấy bông nõn chấm bột than xoan pha với nước khan xát đi, xát lại hoặc xoay tròn sẽ làm mất vết mài của đá, bề mặt sơn sẽ trở nên nhẵn và bóng.

Mùn cưa: Mùn cưa được pha trộn với sơn sống dùng để gắn, vá cốt và dùng trong công đoạn hom bó của sản phẩm. Khi trộn mùn cưa với sơn sống để gắn, chít vá những vị trí bị lỗi của cốt sẽ làm cho sơn nhanh khô, mặt cốt bền chắc và sơn không bị co, ngót. Mùn cưa thích hợp nhất được lấy từ các loại gỗ thuộc từ nhóm 3 đến nhóm 5, trong đó mùn cưa gỗ dổi hoặc vàng tâm là hai loại tốt nhất. Dùng rây có mắt nhỏ để rây lấy mùn cưa nhỏ, mịn, khô…
Đất thó: Đất thó với sơn sống dùng để chít vá, hom bó vóc sơn. Đất thó khi pha trộn với sơn để làm vóc có ưu điểm là đỡ tốn sơn, dễ làm, nhanh khô, mài chóng phẳng, sơn ít bị ngót. Trong thực tế đất thó có bán sẵn ở ngoài thị trường, người thợ mua về và tinh chế để đất đạt yêu cầu.

Dụng cụ

Thép sơn

Thép sơn là dụng cụ dùng để quét sơn (còn gọi là thảo sơn) lên mặt hàng sơn, được sử dụng trong tất cả các công đoạn như quét sơn hom bó, quét sơn lót, thí và phủ sơn quang. Thép sơn thường có một số kích cỡ cơ bản sau:

  • Thép loại to có bản rộng từ 7cm đến 10cm;
  • Thép loại vừa có bản rộng từ 3cm đến 6cm;
  • Thép loại nhỏ có bản rộng từ 1cm đến 2cm.
Một số kích thước thép sơn

Tùy theo nguyên liệu, tóc hoặc lông đuôi bò được sử dụng để làm ra các loại bút dẹt mà người ta gọi là thép tóc hoặc thép lông. Thép tóc mềm hơn màu thép lông nên thích hợp dùng cho quét sơn sống sơn do có đặc tính loãng và dễ quét. Thép lông cứng hơn được sử dụng để quét sơn chín có đặc tính sánh đặc và khó quét hơn.

Dao trổ: Dao trổ dùng để gọt sửa các cạnh sắc, các rãnh, hốc sâu và một số các hoa văn, họa tiết và các chi tiết khác làm tăng độ nhẵn bóng của bề mặt, gọt sửa cốt mộc, ra màu thép sơn, cắt xén vải trong khi bó vải….

Dao trổ được làm bằng lá thép mỏng có chiều dầy từ 1.5mm đến 3mm, chiều dài từ 18cm đến 20cm, Dao trổ gồm có hai phần, thân dao và lưỡi dao. Lưỡi dao ở hai đầu cắt vát, mũi nhọn.

Một số loại bút vẽ

Bút vẽ: Bút vẽ dùng để vẽ trang trí những họa tiết, nét nhỏ trên sản phẩm. Ngòi bút thường được làm bằng lông đuôi mèo, lông đuôi sóc. Ngòi bút có chiều dài từ 7mm đến 10mm.

Mo sừng: Mo sừng là dụng cụ dùng để miết sơn trên mặt cốt cho phẳng đều, khi quét sơn chín bằng thép sơn xong, người thợ dùng mo sừng để vuốt lại, làm cho nước sơn tỏa đều, phẳng, không còn gân của vệt thép, với những người thợ giỏi tay nghề có thể dùng luôn mo sừng để quét sơn mà không cần dùng thép. Mo sừng còn dùng để nhào trộn sơn như nhào trộn sơn hom bó, trộn sơn chín với các loại bột sơn để lấy màu sắc…

Bay xương: Bay xương dùng để nhào trộn sơn, gắn sơn đất bó, miết bả sơn bó lên mặt gỗ, đắp họa tiết nổi. Gọi là bay xương vì bay được làm từ những chiếc xương sườn trâu, được xẻ lạng ra làm đôi và chưa được gọt sửa kỹ. Bay xương có hai loại gồm bay xương và bay guốc.

Đá mài: Đá mài dùng để mài tạo độ nhẵn phẳng của bề mặt sản phẩm, ngoài ra còn dùng để mài, chỉnh sửa các dụng cụ như dao trổ, đục chạy…

Các bước sơn thếp truyền thống

Sau khi tạo cốt, hoàn thiện sản phẩm mộc, các nghệ nhân/người thợ tiến hành công đoạn sơn. Qua quá trình khảo sát điều tra tại các làng nghề cho thấy quy trình sơn son thếp vàng lần lượt trải qua 8 công đoạn chính bao gồm:

Gắn/kẹt, bó, hom, lót, thí, cầm, thếp và lọng son. Cụ thể như sau:

Gắn/kẹt: Gắn các vết nứt, vết mẻ, vết lồi lõm trên sản phẩm mộc bằng cách trộn sơn với mùn cưa, sau đó phủ đều khắp bề mặt cốt mộc. Dụng cụ kẹt được sử dụng trước đây thường là thanh tre có hình như chiếc đũa cả, nay thay bằng bay xương. Các vết nứt, mẻ, lỗi lòm sau khi gắn vá được để khô và tiến hành mài nhẵn. Để khô từ 7-10 ngày sau khi kẹt thì thực hiện bước tiếp theo.

Trộn nguyên liệu và gắn vá sản phẩm

Bó: Nếu sản phẩm còn có các vết rạn nứt, chưa nhẵn, cần phải dùng mùn cưa trộn với sơn sống để chít các vết rạn nứt của sản phẩm.

Trước đây, tại nhiều nơi sử dụng phương pháp bó vải (vải xô bó sơn sống) để bó lên bề mặt gỗ nhằm tạo bề mặt phẳng, hạn chế khuyết tật. Phương pháp này thực hiện cầu kỳ, phức tạp hơn và đa phần thực hiện trên các cấu kiện gỗ trong di tích. Lớp bó sau khi khô tiếp tục được mài nhẵn bề mặt.

Hom: Dùng đất thó trộn sơn sống theo tỷ lệ 2 phần đất 1 phần đất sơn, quét hỗn hợp lên toàn bộ bề mặt của sản phẩm để ngăn chặn sự rạn nứt của lớp sơn bó hoặc lấp đầy khe kẽ của lớp bó vải. Lớp hom sau khi khô (khoảng từ 4 đến 5 ngày nếu thời tiết nồm ẩm) tiếp tục được mài nước cho nhẵn bề mặt.

Sau khi mài, nếu phát hiện bề mặt lớp hom còn khuyết tật thì tiến hành các lớp kẹt, bó và hom lại. Thông thường tiến mài nước từ 3 đến 4 lần thì đạt yêu cầu.

Lót: Dùng sơn sống (sơn dọi nhì) sơn lên bề mặt toàn bộ sản phẩm. Quá trình sơn lót cần ủ trong điều kiện ẩm (dùng chăn, màn, cót ẩm quây kín phủ khu vực làm sơn, điều kiện càng kín gió sơn càng nhanh khô).

Lọng son

Sau mỗi lớp sơn lót nếu vẫn phát hiện thấy lỗi, khuyết tật thì tiếp tục kẹt, sau đó mài nhẵn bằng mài nước và tiếp tục sơn lót lớp tiếp theo. Lớp lót thông thường phải thực hiện từ 3 đến 4 lần mới đạt yêu cầu.

Quá trình hom, lót một sản phẩm khá phức tạp và mất nhiều thời gian với những yêu cầu nghiêm ngặt. Tùy theo mùa và thời tiết mà thời gian khô của các lớp sơn có sự khác nhau. Trung bình, thời gian sơn lớp sơn đầu tiên đến khi hoàn thiện lớp cuối cùng sẽ mất khoảng 15 ngày. Sau mỗi công đoạn bó, hom, lót đều phải mài cho nhẵn đều toàn bộ bề mặt sản phẩm.

Thí: Sơn thí có tác dụng làm cho các nước sơn trước (sơn bó, sơn hom, sơn lót) được bền hơn và tạo màu cho sản phẩm. Sau khi sơn thí cần mài kỹ cho bề mặt nhẵn, phẳng.

Cầm: Sau khi thấy bề mặt nhẵn, mọng thì dùng một lớp sơn phủ lên tạo lớp bám dính trước khi thếp vàng (gọi là sơn cầm thếp). Để kiểm tra mức độ khô của sơn, người thợ sử dụng một mảnh cật tre già gọi là “thẻ chiếm” và quét lên đó lớp sơn cầm đã cầm thếp vào đồ vật để làm mẫu thử. Kiểm tra bằng cách hà hơi hoặc chạm tay lên mặt thẻ chiếm và nhấc lên ngay nếu sơn không dính lên tay nhưng chưa khô hẳn (độ khô khoảng 90-93%) thì có thể thếp được.

Thếp vàng, bạc: Khi lớp sơn cầm đạt được độ khô như mong muốn, dán các lá vàng quỳ hoặc bạc quỳ thành từng lớp hình vẩy cá, sau đó dùng thép sơn chải đi những phần chờm nhau, đồng thời làm lá vàng quỳ hoặc bạc quỳ dính chặt vào lớp sơn. Sau khi thếp xong, cần bảo quản hiện vật sơn ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp trong khoảng 7 ngày. Nếu thếp bạc thì sau khi khô cần tiến hành công đoạn phủ hoàn kim.

Lọng son hoàn thiện: Đối với những vị trí có sơn son, dùng thép hoặc bút lông để lọng son, đặc biệt chú ý với những vị trí khi thếp vàng bị tràn xuống nền. Sau khi lớp thếp vàng và lọng son đảm bảo đã được ủ khô, cần phải tiền hành mài và đánh bóng hoàn thiện bề mặt.

Lời kết

Từ việc lựa chọn các nguyên liệu, thực hiện các bước sơn thếp gồm nhiều công đoạn, với bàn tay tài hoa, điêu luyện của người thợ đã tạo nên những sản phẩm sơn thếp truyền thống trên gỗ có giá trị, góp phần làm cho kiến trúc, nội thất của di tích uy nghiêm hơn, lộng lẫy hơn. Cùng với di tích, những tác phẩm đồ gỗ sơn thếp này trường tồn theo thời gian và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Đến nay, quy trình làm sơn thếp truyền thống đang ngày càng bị mai một, việc sử dụng các loại sơn công nghiệp thay thế cho sơn ta diễn ra khá phổ biến, do sự đơn giản của quy trình thực hiện, nguyên liệu rẻ hơn.

Chính vì vậy, việc tìm hiểu, ghi chép và nghiên cứu quy trình làm sơn thếp theo phương pháp truyền thống là một việc làm cần thiết. Kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần vào việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị của nghề truyền thống, đáp ứng yêu cầu về đảm bảo tính nguyên gốc cho di tích dựa trên cơ sở các đặc tính tương đồng giữa vật liệu cũ và vật liệu mới trong quá trình trùng tu di tích.

Tô Hải
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)

Tài liệu tham khảo
1. Phạm Mạnh Cường – “Nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm quy trình sơn thếp gỗ truyền thống tại các làng nghề vùng đồng bằng Bắc bộ” – Viện Bảo tồn di tích, 2021.
2. Trần Minh Đức, Đỗ Thị Thanh Mai, Đoàn Sĩ Lạng – “Các giải pháp kỹ thuật tu bổ phục hồi trang trí của di tích” – (Tổng kết kỹ thuật của Phân Viện KHCNXD miền Trung), Huế, 2012.
3. Nguyễn Thanh Giang – “Phát triển chất liệu sơn mài truyền thống trong các sản phẩm thiết kế ứng dụng hiện nay” – Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 2017.
4. Trương Minh Hằng – “Làng nghề thủ công mỹ nghệ miền Bắc” – Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 1999.
5. Lê Huyên – “Nghề sơn cổ truyền Việt Nam” – Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2003.
6. Cù Xuân Liệu – “Xây dựng chương trình giáo trình đào tạo nghề: Mộc mỹ nghệ, Chạm khắc đá, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, Kỹ thuật sơn mài và khảm trai các bậc cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề áp dụng đào tạo cho lao động nông thôn” – Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định, 2015.
7. Tô Ngọc Thanh – “Làng nghề truyền thống và các vấn đề cấp bách đặt ra, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật”, Số 1, năm 1996.
8. Nguyễn Văn Minh – “Sơn mài Bình Dương: Chất liệu và nghệ thuật thể hiện” – Viện Văn học nghệ thuật Việt Nam, 2013.



Nguồn

Next Post

Rót hơn 12.000 tỉ đồng biến đảo Cát Bà trở thành 'tiểu Maldives của châu Á'

Sat Aug 17 , 2024
Chiều 16.8, tại TT.Cát Bà (H.Cát Hải, TP.Hải Phòng), Công ty TNHH xây dựng dân dụng Phú Quốc, là thành viên Tập đoàn Sun Group đã tổ chức lễ khởi công dự án khu Du lịch, dịch vụ thương mại vịnh trung tâm Cát Bà quy mô hơn 45,7 ha, […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU