Người mua, người bán đều phấn khởi
Ngày 27.9, dù là ngày làm việc nhưng vẫn khá đông người đến tham dự sự kiện tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) với nhiều lứa tuổi khác nhau. Bà Nguyễn Thu Cúc, đại diện nhóm bạn, cho biết rất thích tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại như thế này do có nhiều đặc sản vùng miền chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp vì đơn vị tổ chức là cơ quan chức năng. Do đó, thay vì đi siêu thị thì mỗi lần có sự kiện như vậy bà thường tranh thủ tham gia. “Ngày hôm trước tôi đã tham dự và thấy có nhiều thứ mới lạ hấp dẫn nên hôm nay rủ thêm bạn hàng xóm đi cùng cho vui, xem có thể mua thêm được thứ gì khác không”, bà Cúc chia sẻ.
Anh Trần Văn Khánh, chủ một cửa hàng thực phẩm ngụ Q.Bình Thạnh, hào hứng thông tin: “Chúng tôi kinh doanh rau quả, thực phẩm các loại ở phân khúc trung và cao cấp nên phải thường xuyên tìm nguồn cung chất lượng, đặc biệt là các đặc sản địa phương. Những hội chợ như thế này là cơ hội tốt cho chúng tôi tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm phù hợp với tệp khách hàng của mình. Cũng nhờ vậy công ty đỡ tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí, nhất là theo dõi, xác thực uy tín, chất lượng của họ”.
“Thường thì mỗi lần như vậy chúng tôi đều chọn được 2 – 3 sản phẩm mới để giới thiệu với khách hàng. Có nhiều trường hợp sản phẩm được thị trường đón nhận và họ cũng trở thành đối tác lâu dài của chúng tôi”, anh Khánh cho biết thêm.
Ở chiều ngược lại, anh Ngô Tuấn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại thực phẩm Thiên Lộc đến từ tỉnh Sóc Trăng, phấn khởi cho hay lần này công ty anh tham gia chương trình với sản phẩm trái cà na muối đóng hộp ăn liền. Trái cà na là một món ăn đặc trưng “hương vị quê hương” của nhiều người dân miền Tây. Tuy nhiên, việc chế biến thành sản phẩm hàng hóa là tương đối khó khăn nên ít ai nghĩ tới. Do bản thân có duyên với loại trái cây này nên anh Thanh đã cất công nghiên cứu để chế biến.
“Trước đây tôi bị viêm amidan mạn tính, nhờ ăn nhiều loại trái này kết hợp điều trị tích cực mà khỏi. Qua tìm hiểu thì thấy nó nhiều dược tính và nhìn thấy tiềm năng của trái cà na nếu phát triển thương mại nên mình quyết tâm biến nó thành sản phẩm hàng hóa. Hơn một năm nay, trái cà na của chúng tôi đã được tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP và tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại”, anh Thanh nói và cho biết thêm: “Lần này, chúng tôi mang hơn 200 hộp sản phẩm tham dự sự kiện với mục tiêu sẽ bán hết và ký hợp đồng với 1 – 2 nhà phân phối. Tuy nhiên, mới chỉ qua ngày đầu tiên chúng tôi đã bán gần hết sản phẩm và có được đơn hàng cho khách sỉ ở TP.HCM nhiều gấp đôi dự kiến”.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết lượng khách tham dự sự kiện khá đông và thu nhận nhiều tín hiệu tích cực từ khách lẻ đến khách sỉ.
Ông Võ Hùng Mạnh, chủ cơ sở Thiên Hương (Bạc Liêu), mang tôm khô, tôm đất, bánh phồng tôm đạt sản phẩm OCOP 3 sao đến sự kiện. “Tôi muốn đem đến tận tay người tiêu dùng TP.HCM để họ có thể dùng thử, tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của mình. Đồng thời, mong muốn sản phẩm được kết nối với nhiều đơn vị, nhà bán lẻ của TP.HCM. Dù mới qua 2 ngày diễn ra nhưng kết quả thu về rất tích cực khi có nhiều người tiêu dùng trực tiếp và cửa hàng phân phối quan tâm. Việc tổ chức trực tiếp kết hợp livestream sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều người hơn. Hy vọng trong 2 ngày cuối tuần, nhiều khách hàng sẽ đến khám phá sự kiện trực tiếp. Như vậy sẽ càng hiệu quả hơn”, ông Mạnh nói.
Sự kiện trực tiếp và siêu livestream tạo hiệu ứng tích cực
Chương trình Kết nối cung cầu được TP.HCM và các tỉnh thành triển khai, đến nay được nâng cấp thành sự kiện cấp vùng, với quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững từ nuôi trồng, thu hoạch lưu trữ, sơ chế, chế biến và sản xuất đến tiêu dùng.
Sau 12 năm tổ chức, sự kiện năm 2024 với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Xây dựng chuỗi cung ứng xanh” diễn ra từ ngày 26 – 29.9 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 700 gian hàng của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP, ẩm thực của các vùng miền trên cả nước như trâu gác bếp, mắc kén, miến dong, tỏi Lý Sơn, mạch nha Mộ Đức, hương quế Trà Bồng, kẹo gương, yến sào Cần Giờ, bánh tráng Củ Chi, nem Lai Vung, trà sen Đồng Tháp, kẹo dừa Bến Tre, mắm Châu Đốc, bánh pía Sóc Trăng, lạp xưởng Cần Đước… được trưng bày, giới thiệu đến người dân TP.HCM và du khách.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: “Tại sự kiện năm nay, lần đầu tiên diễn ra chiến dịch siêu livestream giới thiệu hàng Việt trên nền tảng TikTok. Chúng tôi tổ chức tổng cộng 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, nhằm quảng bá cho hơn 200 nông sản, sản phẩm đặc trưng đến từ 45 tỉnh, thành trên cả nước”.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện ngày 26.9, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: Để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn bền vững, nâng chất các hoạt động kết nối, thành phố xác định việc kết nối không chỉ dừng lại ở việc kết nối giữa người mua – người bán, mà còn là kết nối nâng cao trách nhiệm. Đó là trách nhiệm của nhà cung cấp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm; trách nhiệm của nhà bán lẻ trong việc định hướng, hỗ trợ sản xuất; trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc giám sát và trách nhiệm của ngành công thương, ngành nông nghiệp trong xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững.
TP.HCM mong muốn không chỉ hỗ trợ hàng hóa, kết nối trực tuyến 24/24, kết nối xây dựng thương hiệu mà từng bước đặt nền móng để tiến tới chuỗi cung ứng an toàn, bền vững, trách nhiệm và minh bạch. Đồng thời, tổ chức thường xuyên hơn hoạt động kết nối trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM