Sau 5 tháng tăng liên tiếp, xuất khẩu dệt may đột ngột giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), sau khi tăng liên tiếp trong 5 tháng gần đây, xuất khẩu hàng dệt may tháng 9 đã giảm. Cụ thể, trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 9 là 2,98 tỉ USD, giảm 26,5%, tương ứng giảm hơn 1 tỉ USD so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 27,34 tỉ USD, tăng 8,9% (tương ứng tăng 2,24 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 12 tỉ USD, tăng 9,1%; EU (27 nước) đạt 3,14 tỉ USD, tăng 8,1%; Nhật Bản đạt 3,13 tỉ USD, tăng 6,4%; Hàn Quốc đạt 2,39 tỉ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu dệt may cả năm 2024 tự tin về đích 44 tỉ USD

Xuất khẩu phục hồi nhờ chuyển dịch đơn hàng

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) nhận định, việc tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng qua đạt 8,9% cho thấy hoạt động xuất khẩu ngành dệt may đang cải thiện tích cực.

Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may; tuy nhiên xuất khẩu sang EU vẫn chậm.

Thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. 

Trong đó, thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%…

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng năm 2024 của Vinatex có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm trước. Doanh thu hoàn thành 73,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ…

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết thị trường xuất khẩu ngành may trong 9 tháng năm nay có sự phục hồi do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam.

Cạnh đó, tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.

Ông Hiếu phân tích, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đều có tín hiệu phục hồi tích cực. Đối với thị trường Mỹ, ngày 18.9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ tháng 3.2020; GDP quý 2/2024 ở mức 3%; lạm phát tháng 8 ở mức 2,5% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất kể từ tháng 3.2021; doanh số bán lẻ tháng 8 cũng đã tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế châu Âu cũng dần được kiểm soát gần với mục tiêu, lạm phát tháng 8 ở mức 2,4%, là mức thấp nhất kể từ tháng 6.2021; doanh số bán lẻ tăng nhẹ.

Đối với thị trường Nhật Bản, GDP quý 2/2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ, tăng 7% so với quý trước; mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao nhưng chi tiêu hộ gia đình có xu hướng tăng nhẹ…

Đơn hàng dồi dào, đơn giá cải thiện chưa đáng kể

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại nhìn nhận, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang hồi phục tốt, riêng EU vẫn còn yếu.

Mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 44 tỉ USD trong năm 2024 được cả Hiệp hội Dệt may Việt Nam lẫn Vinatex dự báo “trong tầm tay”.

Theo ông Hiếu, đơn hàng may mặc trong quý 4/2024 và quý 1/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện.

“Dự báo những tháng cuối năm cho thấy những tín hiệu tích cực nhất định, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cần hết sức thận trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào, cam kết hoàn thành kế hoạch năm.

Đây là sự chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đủ “sức khỏe” đón bắt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025 mà không bị lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường”, Tổng giám đốc Vinatex nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đạt 2,34 tỉ USD, giảm 0,73% so với tháng 8 song tăng tới 15,49% so với tháng 9.2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may ước đạt hơn 20,38 tỉ USD, tăng 14,71% so với 9 tháng năm 2023 và tăng 13,25% so với cùng kỳ năm 2019.



Nguồn

Next Post

Chia nhỏ mục tiêu chính là bí quyết ‘thắng lớn’!

Wed Oct 30 , 2024
Khi thương mại điện tử bùng nổ, người ta cho rằng các cửa hàng vật lý đã không còn thu hút được nhiều khách hàng, tuy nhiên, tại cửa hàng của Dylan, ngay cả các ngày trong tuần, lượng khách hàng vẫn luôn đông ổn định, những ngày đắt khách, […]

You May Like

Copyright All right reserved Theme: Default Mag by ThemeInWP

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU