Black Myth: Wukong đang là tựa game “gây sốt” ở cộng đồng thời gian gần đây, có mặt trên PC cũng như một số hệ máy khác. Trò chơi được phát triển bởi Game Science (Trung Quốc) nhanh chóng lập nhiều kỷ lục, tuy nhiên vẫn chưa có ngôn ngữ tiếng Việt. Vì lý do này, game thủ trên nền tảng PC đang chờ đợi một bản mod (điều chỉnh lại) có tiếng Việt giúp người chơi dễ dàng trải nghiệm nội dung hơn, đồng thời mang đến cảm giác quen thuộc với những tên nhân vật được dịch sang Hán Việt.
Anh Nguyễn Quân (TP.HCM) cho biết đang rất “háo hức” khi có thông tin một nhóm mod game tại Việt Nam chuẩn bị tung ra bản mod Việt hóa cho ngôn ngữ hiển thị trong trò chơi Black Myth: Wukong. “Tôi sẵn lòng trả phí để ủng hộ công sức của nhóm ngay khi có bản mod. Hiện giờ chơi game bằng tiếng Anh cảm giác không ‘đã’ vì nhiều cái tên dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh không chuẩn xác, thậm chí còn sai nghĩa, xa lạ”, anh Quân chia sẻ.
Với chàng trai “9x đời đầu” này, những cái tên, danh xưng như Kim Trì Trưởng Lão, Hắc Hùng Tinh, lão Tôn, Mỹ Hầu Vương, Nhị Lang Thần… đã quá quen thuộc, gắn liền với ký ức của phiên bản phim Tây Du Ký năm 1986 do Trung Quốc thực hiện. Do vậy, anh mong chờ trò chơi được Việt hóa để “sống lại ký ức tuổi thơ” qua ngôn từ quen thuộc, không phải vì không hiểu ngôn ngữ tiếng Anh.
Trên một số hội nhóm, đề tài Việt hóa tựa game Black Myth: Wukong cũng đang được bàn tán và nhận nhiều phản ứng tích cực, động thái ủng hộ từ cộng đồng game thủ. Các nhóm dịch cho biết đang tích cực hoàn thiện nội dung, dự kiến sẽ xong sớm. Tuy vậy, bản mod chỉ có cho phiên bản PC, người dùng máy PS5 có thể sẽ phải chờ động thái bổ sung ngôn ngữ tiếng Việt từ nhà phát hành.
Cảnh giác trò chơi bị lợi dụng để phát tán mã độc
Với tâm lý mong chờ được trải nghiệm tựa game Black Myth: Wukong nói chung, và bản mod Việt hóa nói riêng, một số chuyên gia bảo mật đã lo ngại về khả năng trò chơi bị kẻ gian lợi dụng để phát tán mã độc. Một chuyên gia lưu ý người dùng “hãy cẩn thận khi tải bản Việt hóa trên mạng, có khả năng sẽ lây nhiễm virus”.
Cụ thể, kẻ gian có thể lợi dụng bản mod được những nhóm dịch tâm huyết phát hành (hoàn toàn sạch, không cài cắm mã độc), tải về và can thiệp theo ý muốn, rồi đăng lên mạng để tìm kiếm nạn nhân. Một trường hợp khác có thể xảy ra khi những người có ý đồ xấu tạo các đường dẫn “tải bản mod Việt hóa” giả mạo, thực chất là một tập tin độc hại, hoặc dẫn dụ người dùng kích hoạt các mã độc thực thi từ xa, lén lút cài phần mềm độc hại lên máy tính nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thu thập dữ liệu, hoặc âm thầm đào tiền ảo bằng tài nguyên phần cứng “khủng” thường thấy ở các bộ máy tính phục vụ mục đích chơi game.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, đánh giá việc chỉnh sửa các trò chơi điện tử nhằm thỏa mãn mục đích của người chơi theo từng tiêu chí (thay đổi giao diện nhân vật, bổ sung ngôn ngữ thiếu…) đã phổ biến tại Việt Nam từ hơn 20 năm qua. Với các trò chơi mới ra, “gây sốt” thị trường hoặc chưa phát hành tại Việt Nam, chưa có ngôn ngữ Việt thì nhu cầu tìm kiếm, tải game và các bản mod về rất cao.
“Thậm chí có cả những ‘cuộc đua’ giữa các nhóm chuyên mod game để xem bên nào sẽ ra bản ‘độ’ nhanh nhất, làm hài lòng người chơi nhất”, ông Sơn lý giải. Nhưng bên cạnh những nhóm làm việc với tâm huyết và mong muốn thỏa mãn niềm đam mê với game, vẫn có các đối tượng xấu lợi dụng điều này để cài đặt thêm mã độc vào bản mod, từ đó tạo cơ hội xâm nhập, chiếm quyền điều khiển máy tính nạn nhân, đánh cắp dữ liệu người dùng.
Vị chuyên gia khuyến cáo khi người chơi có nhu cầu sử dụng các bản mod game, cần hết sức cân nhắc và cảnh giác với các nguy cơ có thể lây nhiễm mã độc trên máy tính cá nhân. Ông đưa lời khuyên: “Bạn nên sử dụng một môi trường máy cách ly an toàn, ví dụ máy ảo, hoặc chơi game trên máy tính không có chứa dữ liệu quan trọng, nhạy cảm. Đồng thời, nên cài sẵn một phần mềm diệt virus uy tín để bảo vệ máy tính, sớm phát hiện dấu hiệu khả nghi nếu có”.