Theo Reuters, tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ cho biết chính phủ đang cân nhắc việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Nguyên nhân do sản lượng lúa vụ kharif đang thu hoạch có thể cao hơn năm trước. Cùng với đó là lượng gạo dự trữ của nước này cũng đang ở mức cao.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vốn được áp dụng vào tháng 7.2023 để ứng phó với tình trạng khan hiếm gạo và giá cả nội địa tăng cao. Sau đó hàng loạt chính sách tương tự được áp dụng như áp giá sàn với gạo basmati, cấm cung cấp gạo cho ngành công nghiệp sản xuất ethanol…
Ngày 13.9, Ấn Độ đã bỏ chính sách áp giá sàn xuất khẩu với mặt hàng gạo basmati của nước này. Đây là một trong những động thái nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Trước đó, Ấn Độ đã cho phép các nhà sản xuất ethanol tư nhân tham gia các gói thầu mua gạo nguyên liệu.
Nhận định về thông tin trên, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang về thị trường lúa gạo quốc tế SSRicenews, nói: Thực tế, thông tin Ấn Độ sẽ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo xuất hiện vài tháng gần đây. Nhưng đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn chỉ là thông tin “bên lề” và lệnh cấm vẫn còn hiệu lực. Lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ được bãi bỏ nhưng không ai có thể trả lời chính xác thời điểm là nào. Bối cảnh mới hiện tại là tình trạng bão lũ đang diễn ra ở nhiều nước châu Á, điều này có thể việc cân nhắc tháo bỏ lệnh cấm tốn thêm nhiều thời gian hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam là 567 USD/tấn còn Thái Lan 560 USD/tấn và Pakistan 529 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện tại lượng gạo tồn kho của Việt Nam không có nhiều và từ nay đến cuối năm chỉ còn vụ lúa thu đông, không phải vụ chính trong năm của Việt Nam. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo ở thời điểm hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.