Ngày đó, cứ hễ sau giờ học tan lớp, tôi lo việc phụ cho bà nấu cơm và bưng trà nước cho những người thợ làm vườn, tát mương, bắt tôm, bắt cá. Thích nhất là xem họ leo lên những cây dừa cao ngất ngưỡng, oằn mình trong gió, đung đưa để hái dừa.
Cứ chập choạng sau 5 giờ chiều, cơm nước xong xuôi thì nhà ai cũng thắp sáng đèn bằng dầu hỏa (dầu lửa), người dân quê hay quen gọi là đèn hột vịt, làm bằng thủy tinh, có thêm cái bóng chụp cũng bằng thủy tinh mỏng để che gió đừng làm tắt ngọn đèn. Ánh lửa trên mỗi cây đèn hột vịt luôn leo lét chập chờn, nhưng đó là nguồn ánh sáng duy nhất trong mọi ngôi nhà lá miền quê gần 50 năm trước.
Quê hương tôi trù phú phát triển mạnh mẽ có phần quan trọng từ điện
Ngày ấy, nghĩ lại càng thương cho tình cảnh của những người già đơn chiếc như bà cô của tôi, cũng như những người bệnh tật, đêm hôm chợt tỉnh thức giấc, lò mò đi vệ sinh mà căn nhà thì lại chỉ có chiếc đèn dầu không đủ để sáng…
Quê nội Cái Mơn của tôi là xứ sở làm nghề cây kiểng và cây giống, cây ăn trái. Tôi có người bạn học năm lớp 8, tên là Trương Văn Nhi, ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Người bạn hiền lành, vui tính từng tình nguyện nhập ngũ khi mới 17 tuổi vào năm 1979, nay đã trở thành một “lão nông nghệ nhân”, ngày đêm miệt mài làm vườn cây kiểng, cây giống và cây ăn trái. Bạn Trương Văn Nhi hồ hởi khoe: “Tui giờ đã tậu được cả 2 mẫu đất, tha hồ canh tác, trồng ươm cây giống, cây kiểng và bông giấy, chuối cau…”.

Có điện, những nhà nông trồng cây kiểng giờ đỡ vất vả nhờ những giàn tưới nước tự động
Nhờ có điện nên những người làm vườn trồng cây kiểng như bạn tôi và nhiều nhà nông hiện đại ngày nay giờ không phải xách từng thùng nước tưới cây như thời xưa mà tưới bằng giàn phun nước tự động. Cũng nhờ có điện, có máy bơm nước mà mấy buồng chuối cau vườn nhà bạn Nhi mau ra quả, trái no tròn tươi tốt. Có điện rồi có wifi, nhờ đó mà những người nông dân có thể lên mạng tìm kiếm những thông tin hữu ích. Bạn tôi nói: “Ngày nay cứ hễ “dốt” môn nào thì đã có cái điện thoại, máy tính, laptop… mở lên, đọc báo hay vô Google, Youtube và các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Zalo, Tik Tok… là hiện ra cả kho giáo trình đủ loại để tham khảo. Cứ vậy mà học tập theo, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày và cả cho công chuyện làm ăn, nhu cầu học hỏi cho mình”.

Lão nông nghệ nhân Trương Văn Nhi ở Bến Tre
Thi thoảng, gặp bạn bè cũ, ôn lại những kỷ niệm đẹp, vui buồn sướng khổ một thời khó khăn đã qua, cái thời quê tôi chưa có điện, chưa có tivi, tủ lạnh, máy lạnh, quạt máy… và dĩ nhiên là chưa có wifi, điện thoại thông minh như bây giờ. Lúc đó còn nghèo khó, phải tiết kiệm đủ thứ. Chúng tôi nhắc hoài “sáng chế” tạo ra cái đèn dầu lửa nho nhỏ bằng hủ, chai, lọ thủy tinh đã qua sử dụng, thay thế cái đèn hột vịt, cho dù giá trị nhỏ nhưng cũng tiết kiệm cho bà cô tôi, khỏi phải mua đèn.
Hoài niệm để tri ân những người đã mang nguồn điện, ánh sáng đến quê tôi. Quê hương xứ dừa ngày nay đã quá nhiều đổi thay, một phần nhờ có điện kéo về. Người dân miền quê xứ tôi vô cùng biết ơn, tri ân “những bàn tay thắp sáng niềm tin”, từ các cấp lãnh đạo có tâm, có đức, hết lòng vì dân vì nước, đến anh chị em nhân viên Tổng công ty Điện lực Miền Nam. Họ đã không quản ngại ngày đêm, mưa nắng, mang ánh sáng đến những miền quê xa xôi.
Đặc biệt, tôi ấn tượng với cách cư xử của nhân viên điện lực. Thường khi điện trong nhà có sự cố, gọi báo, họ luôn luôn vui vẻ, nhiệt tình hồi đáp. Từ những người trực tổng đài đến anh kỹ sư, kỹ thuật viên điện lực đến tận nhà gặp trực tiếp khách hàng. Họ luôn tạo cho chúng tôi sự tin tưởng qua sự hết lòng, hết sức xử lý sự cố điện để nhanh chóng đem lại “ánh sáng cần thiết” cho người dân.
Nhân dịp ngành điện miền Nam kỷ niệm 50 năm thành lập, xin viết những dòng này để tri ân các anh chị công nhân viên, kỹ sư, nhà lãnh đạo ngành điện miền Nam – 50 năm thắp sáng niềm tin.
Cuộc thi viết “50 năm thắp sáng niềm tin” có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
– Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
– Email: 50namdienmiennam@thanhnien.vn. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.