Sàn giao dịch xăng dầu là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận tại tọa đàm: Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 30.7, tại Hà Nội. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đang có những quan điểm khác nhau về sàn giao dịch này.
Chia lại thị phần thị trường xăng dầu, giảm độc quyền
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, từ năm 2020, Bộ Tài chính đã cho phép Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam được niêm yết thí điểm mặt hàng dầu thô, năng lượng để bảo hiểm giá và đầu tư.
Việc này diễn ra suôn sẻ, không có vấn đề gì xảy ra, nhưng từ ngày 27.5, Bộ Công thương đã cho dừng thí điểm với lý do: sửa lại Nghị định 83 kinh doanh xăng dầu và sửa Nghị định 158, Nghị định 151 về Sở Giao dịch hàng hóa.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu thành lập được sàn giao dịch xăng dầu thì “rất tốt và cần thiết”, về mặt lý thuyết có những lợi ích: tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro; tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quản lý rủi ro trên sàn giao dịch bằng các phương thức giao dịch qua hợp đồng; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán…
Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu có sàn giao dịch xăng dầu, thị trường hoạt động công khai, minh bạch, sẽ giảm độc quyền. Hiện nay, thị trường xăng dầu có 39 doanh nghiệp đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm 88% thị phần. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn nhà nước. Khi có sàn giao dịch xăng dầu, thị phần sẽ được chia lại, khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Mức độ cạnh tranh trên thị trường xăng dầu tăng lên sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long cho rằng, việc lập sàn giao dịch xăng dầu vẫn có những thách thức như: chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, yêu cầu về nhân lực quản lý, giám sát để đảm bảo không có sự thao túng…
“Đối với xăng dầu khi thành lập sàn giao dịch cần rất nhiều thời gian tập trung công sức để nghiên cứu kỹ vì mặt hàng này có những đặc điểm riêng rất nhạy cảm nên việc xây dựng sàn rất khó khăn và phức tạp”, ông Long nói.
“Không hiểu xây dựng sàn giao dịch xăng dầu để làm gì?”
Bày tỏ quan điểm tại tọa đàm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thẳng thắn: “Tôi không hiểu được rõ về ý định xây dựng sàn giao dịch xăng dầu để làm gì”.
Bởi theo ông Bảo, nếu xây dựng các sàn như sàn giao dịch như ở: Singapore; New York (Mỹ), EU thì rõ ràng đây là các sàn giao dịch yêu cầu tính liên thông rất cao độ, không khác gì sàn giao dịch vàng, bạc. Các sản phẩm ở đó đều phải liên thông, chứ chúng ta không thể xây dựng sàn và có chỉ số giá riêng của xăng dầu được.
Đối với những sàn mà giao dịch hàng hóa theo chỉ số nước ngoài, chỉ số gắn với WTI, dầu thô của Mỹ, hay Brent của EU hoặc ở một số sản phẩm khác, rõ ràng tính liên thông là có. Hiện tại, các doanh nghiệp đều bám vào đó để kinh doanh, tổ chức các nghiệp vụ phái sinh thông qua các tổ chức tài chính như: ngân hàng, công ty thương mại nước ngoài hoặc trực tiếp tham gia.
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, Việt Nam thì chưa liên thông được bởi trong cơ cấu giá hình thành giá xăng dầu bán ra còn có nhiều vấn đề về thuế như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng, quỹ bình ổn, chi phí định mức…
“Thị trường xăng dầu của chúng ta có sự khác biệt rất lớn nếu tạo dựng một sàn để các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối tham gia thì đó là tạo ra một sàn đấu thầu thì đúng hơn. Tôi không hiểu các nhà quản lý mong muốn xây dựng sàn như vậy hay sàn giống quốc tế, sàn có thể kéo tất cả người dân, doanh nghiệp tham gia như sàn chứng khoán”, ông Bảo nói.
Cũng theo ông Bùi Ngọc Bảo, hoàn toàn có thể tiến hành bước thử nghiệm tiếp tục cho bên Sở Giao dịch hàng hóa có thêm hàng hóa nữa là xăng dầu và có thể liên thông thêm mặt hàng xăng RON92, RON95 để tiếp tục xem thực thi ra sao nhưng như vậy sẽ mất nhiều thời gian, tính pháp chế nhiều.
Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam chia sẻ 2 góc nhìn về sàn giao dịch xăng dầu: Ai tham gia vào sàn đó; sàn giao dịch những gì?
Điểm chung của các sàn đang hoạt động hiệu quả hiện nay như: cà phê, cao su, bất động sản… đều là mặt hàng sản xuất rất nhiều trong nước, khi xuất khẩu thậm chí chi phối được nhiều thị trường quốc tế. Đối với những mặt hàng như thế, cơ hội thành công của sàn là có thể nhìn thấy.
“Nếu có thành lập chỉ là thực hiện giao dịch xăng dầu về vật chất, tôi không nghĩ các sản phẩm phái sinh giao dịch trên sàn xăng dầu. Bởi vì trên thế giới phái sinh xăng dầu chủ yếu trên thị trường tài chính, không giao dịch trên thị trường hàng hóa vật chất”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Lương Hoài Nam, về xăng dầu vật chất, Việt Nam có 2 loại: dầu thô tham gia giao dịch quốc tế, còn dầu thành phẩm, nếu sản xuất ở Việt Nam chỉ có ở Dung Quất và Nghi Sơn, còn lại xăng dầu khác đều phải nhập khẩu.
“Việt Nam chỉ có 2 cơ sở sản xuất, còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài thì có đủ để sàn hoạt động hay không?” ông Nam nêu vấn đề và thẳng thắn bày tỏ: “Cá nhân tôi thực sự chưa hiểu lắm và có những suy nghĩ nhất định. Tôi nghĩ Nghị định xăng dầu mới đang xây dựng hiện nay nên tập trung giải quyết tốt việc phái sinh xăng dầu trước, còn chuyện sàn giao dịch xăng dầu thì phải tính tiếp, xem có cơ hội thành công hay không?”.