Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Lâm – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay trên địa bàn khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư 8 dự án cao tốc và 5 dự án nâng cấp, mở rộng, xây mới các quốc lộ và cầu trên quốc lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 112.600 tỷ đồng.
Từ nay đến 2025, vật liệu cát cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL là rất lớn, khoảng hơn 47,8 triệu m3.
Với các dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ và các dự án cao tốc do địa phương làm cơ quan chủ quản, đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau (thuộc cao tốc Bắc Nam ) có tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 hiện gặp khó khăn về nguồn cung.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: CK
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cho dự án. Đến nay, các địa phương đã có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3 (đạt 16% nhu cầu). Tuy nhiên, khối lượng này cũng chưa thể khai thác được ngay mà cần triển khai các thủ tục, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ.
Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL rà soát, khẩn trương thực hiện các thủ tục nâng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác có trong hồ sơ khảo sát vật liệu và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án.
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án theo đề nghị của Bộ GTVT; kịp thời triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đáp ứng tiến độ thi công…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CK
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, theo số liệu, tính toán thì nguồn vật liệu vẫn đáp ứng nhu cầu cho các dự án, đáng chú ý có thêm nguồn vật liệu là đất ở Long An (với trữ lượng khoảng 34 triệu tấn), tuy nhiên Bộ GTVT sớm có đánh giá yêu cầu kỹ thuật của nguồn đất này.
“Các địa phương đã chủ động, ngồi với nhau, tinh thần xác định đây là công trình ưu tiên của quốc gia, của miền Tây, là trách nhiệm chung. Bộ GTVT lên biểu đồ tiến độ cho 4 tuyến cao tốc nói trên, trong đó nêu chính xác đến từng tháng, nói rõ nhu cầu cần bao nhiêu, từ nay đến 2024 tháng nào làm việc gì, ở đâu…” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Đối với các địa phương ĐBSCL, Phó Thủ tướng đề nghị chủ động tăng 50% công suất các mỏ cát hiện đang hoạt động; còn các mỏ đá, đất có thể tăng 200%. Với các mỏ đang tạm thời đóng cửa, xem xét cấp phép trở lại, giám sát đánh giá tác động môi trường, xác định là cấp cho công trình trọng điểm, cao tốc Bắc Nam, đơn giản hóa các thủ tục. Đối với các mỏ mới, phải có khảo sát, đánh giá, giám sát về môi trường, không thể tùy tiện, khi kết thúc thi công dự án thì chấm dứt khai thác.
Bộ TN&MT trên cơ sở số liệu về trữ lượng, công suất, thực hiện việc phân bố, đảm bảo sát với nhu cầu thi công, đánh giá toàn bộ các mỏ hiện hữu, mỏ cấp mới; điều tiết để phân bổ hợp lý theo thời gian, theo từng mỏ, từng địa bàn…