Đồng hành cùng nền kiến trúc Việt Nam phát triển hiện đại, bản sắc và bền vững không thể thiếu vai trò của công tác lý luận phê bình kiến trúc. Phòng Nghiên cứu Lý luận phê bình và Lịch sử kiến trúc – đơn vị trực thuộc Viện kiến trúc Quốc gia, với nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam và thế giới; các vấn đề cơ bản trong lĩnh vực lý luận và phê bình kiến trúc, lý luận sáng tác kiến trúc, thẩm mỹ kiến trúc; kiến trúc truyền thống tại các vùng, miền, địa phương trên lãnh thổ Việt Nam; định hướng, chiến lược, chính sách phát triển đô thị, nhà ở và các loại công trình kiến trúc khác trong từng giai đoạn phát triển… đã luôn tích cực đóng góp hiệu quả trong công tác lý luận phê bình kiến trúc tác động đối với kiến trúc nói riêng và ngành Xây dựng Việt Nam nói chung.
Bằng những công việc cụ thể, trong những năm gần đây, phòng Nghiên cứu Lý luận phê bình và Lịch sử kiến trúc đã thực hiện nhiều đề tài, dự án cấp Bộ: Dự án “ Điều tra khảo sát, đánh giá giá trị kiến trúc Nhà thờ Công Giáo Nam Bộ, Trung Bộ” – Hoàn thành năm 2019; Nhiệm vụ thường xuyên “Báo cáo tổng hợp công tác lý luận phê bình trong lĩnh vực ngành (Về kiến trúc; quy hoạch; nhà ở và thị trường bất động sản…). Thực hiện công tác lý luận phê bình theo diễn biến thực tế của năm. Đề xuất các giải pháp phù hợp”; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam” – Hoàn thành năm 2023; Đề tài “Nghiên cứu không gian công cộng trong các đô thị Việt Nam. Đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả không gian công cộng trong các đô thị hiện hữu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” – Hoàn thành năm 2023;…
Nhìn chung, các đề tài, dự án nghiên cứu của phòng Nghiên cứu Lý luận phê bình và Lịch sử kiến trúc – Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện trong những năm qua đã có những hiệu quả rõ nét, góp phần thiết lập ban đầu các nguyên tắc và kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống, từng bước góp phần định hướng sáng tác kiến trúc và quy hoạch đô thị nông thôn… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã ghi nhận, trong giai đoạn này công tác lý luận phê bình kiến trúc cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò định hướng và quảng bá văn hoá kiến trúc thông qua các kế hoạch và hành động cụ thể như: xây dựng hệ thống các bài viết và nghiên cứu phân tích lý luận để quảng bá được rộng rãi những giá trị truyền thống Việt Nam ra thế giới; nghiên cứu lý luận để xác định giá trị cốt lõi của kiến trúc Việt, yếu tố kết nối chặt chẽ giữa kiến trúc truyền thống với kiến trúc hiện đại; hoàn thiện hệ thống cơ sở khoa học làm nền tảng cho lý luận phê bình kiến trúc; đẩy mạnh công tác lý luận phê bình kiến trúc đối với định hướng sáng tác kiến trúc, xu thế phát triển kiến trúc và nhận thức của xã hội về kiến trúc; thiết lập tổ chức chuyên nghiệp hoạt động về lý luận phê bình kiến trúc; chú trọng vào công tác đào tạo chuyên sâu về lý luận phê bình kiến trúc ở trong các cơ sở đào tạo kiến trúc sư; thành lập hội nghề nghiệp dành cho những người làm công tác lý luận phê bình kiến trúc tại Việt Nam.
ThS.KTS Đỗ Thị Thu Vân – Trưởng phòng Nghiên cứu Lý luận phê bình và Lịch sử kiến trúc chia sẻ, để có thể phát huy hơn nữa vai trò của công tác lý luận phê bình kiến trúc nhằm định hướng và quảng bá văn hoá kiến trúc cần xây dựng hệ thống các bài viết và nghiên cứu phân tích lý luận để quảng bá được rộng rãi những giá trị truyền thống Việt Nam ra thế giới; nghiên cứu lý luận để xác định giá trị cốt lõi của kiến trúc Việt, kết nối chặt chẽ giữa kiến trúc truyền thống với kiến trúc hiện đại; hoàn thiện hệ thống cơ sở khoa học làm nền tảng cho lý luận phê bình kiến trúc phát triển…
Từ sau khi Luật Kiến trúc được ban hành năm 2019 và chính thức có hiệu lực vào năm 2020, trên cơ sở khung pháp lý vững chắc đã ban hành đóng vai trò hành lang cơ chế hoạt động, công tác lý luận phê bình kiến trúc đã được phát triển đồng bộ, có nhiều bước tiến lớn để đóng góp cho sự phát triển chung của không chỉ riêng lĩnh vực kiến trúc mà còn ở nhiều lĩnh vực ngành Xây dựng khác có liên quan./.
THS.KTS Đỗ Thị Thu Vân – Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận phê bình và Lịch sử kiến trúc