Nhiều doanh nghiệp lớn báo lãi khủng

“Ông lớn” xăng dầu, bán lẻ thắng lớn

Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) vừa có văn bản giải trình về kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm. Trong đó đáng chú ý là con số lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) tăng cao gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái. Theo Petrolimex, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 1.531 tỉ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 649 tỉ đồng, tăng gần 881,6 tỉ đồng. Lý giải về nguyên nhân lãi lớn, Petrolimex cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán ra tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, hỗ trợ lợi nhuận của DN tăng còn có nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm.

Cũng trong ngành nhiên liệu, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) trong 7 tháng khá ấn tượng với tổng doanh thu của tập đoàn ước khoảng 567.400 tỉ đồng, vượt 31% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất của PVN đạt 29.600 tỉ đồng, vượt 75% kế hoạch. Theo PVN, trong năm 2024, tập đoàn đã đưa vào hoạt động 3 bồn chứa LPG tại kho cảng PVGAS Vũng Tàu; nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chính thức tham gia thị trường điện. Nhờ vậy, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, tài chính đều hoàn thành vượt kế hoạch… 

Trước đó, Tổng công ty Dầu VN (PVOil) cũng có báo cáo lợi nhuận hợp nhất trước thuế của DN trong 2 quý đầu năm đạt 390 tỉ đồng, vượt 6% kế hoạch; doanh thu hợp nhất đạt 64.000 tỉ đồng, vượt đến 54% kế hoạch của 6 tháng. Đáng lưu ý, trong 6 tháng, PVOil đã phát triển thêm 60 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng của DN hiện có lên 807 cửa hàng.

Giá xăng đang ở mức thấp nhất trong năm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng

DN bán lẻ trong và ngoài nước cũng có hoạt động kinh doanh lạc quan. Mới đây, Central Retail (sở hữu hệ thống bán lẻ Tops Market, Go!, Mini Go!, Nguyễn Kim, Lan Chi Mart…) báo cáo trong 6 tháng đầu năm, doanh thu tại VN của tập đoàn đạt 132,4 tỉ baht, tương đương khoảng 96.900 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 5,3 tỉ baht, tương đương gần 4.000 tỉ đồng. Ngoài Central Retail, một hệ thống bán lẻ nước ngoài khác đang hoạt động khá tốt tại VN là Aeon (Nhật Bản) cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tại thị trường VN đạt hơn 4 tỉ yên Nhật, tương đương hơn 640 tỉ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái tại báo cáo tài chính quý 1 (1.3 – 31.5). 

Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, Aeon tại VN có doanh thu khoảng 7 tỉ đồng. Đặc biệt, các DN nội còn có kết quả kinh doanh ấn tượng hơn. WinCommerce với các cửa hàng WinMart, WinMart+, WiN lần đầu ghi nhận lãi ròng trong 6 tháng đầu năm. Hay một “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ là Công ty CP đầu tư Thế giới di động cũng vừa có báo cáo doanh thu tăng 15% so cùng kỳ. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp nhiều nhất với hơn 46%, chuỗi Bách Hóa Xanh hơn 30% tổng doanh thu…

Một số DN thì lại tập trung mở rộng địa bàn. Như Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SATRA) đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa trung tâm thương mại Centre Mall (đường Võ Văn Kiệt, TP.HCM) sớm đi vào hoạt động. Cuối tháng 7 vừa qua, Vincom cũng chính thức khai trương thêm hai trung tâm thương mại mới gồm Vincom Mega Mall Grand Park tại TP.HCM và Vincom Plaza Bắc Giang tại Bắc Giang. Đến nay, Vincom Retail đã có 87 trung tâm thương mại tại 47 tỉnh thành, khẳng định vị trí hàng đầu tại thị trường với nhiều trải nghiệm mua sắm, ẩm thực và giải trí độc đáo.

Nhiều gam màu sáng cho nền kinh tế

Nhiều “ông lớn” trong ngành xây dựng, nông nghiệp, năng lượng… từng gặp nhiều khó khăn cũng đã quay lại trường đua lợi nhuận với những con số đầy tích cực. Chẳng hạn, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vừa có báo cáo lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt hơn 500 tỉ đồng; Tập đoàn xây dựng Hòa Bình công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024, với lợi nhuận sau thuế đạt gần 830 tỉ đồng.

Tương tự, kết quả kinh doanh quý 2 năm nay của Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) với doanh thu thuần đạt gần 1.115 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 318 tỉ đồng, mức tăng trưởng ấn tượng hơn 98% so cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả kinh doanh trên, BCG cho hay lợi nhuận sau thuế của DN trong 6 tháng đầu năm đạt con số đẹp “như mơ”, lên 416,8 tỉ đồng, tăng hơn 137% so cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh sự tăng trưởng về doanh thu, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận của tập đoàn này bứt phá ngoạn mục nhờ mảng quan trọng là năng lượng. Công ty con phụ trách mảng năng lượng của BCG có doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm đạt gần 690 tỉ đồng, tăng hơn 22% so cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp lớn báo lãi khủng- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, các chương trình kích cầu đang có hiệu ứng tốt

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét kết quả kinh doanh, lợi nhuận của DN không chỉ trong khối tài chính tăng tốt như xưa nay, mà DN khu vực thương mại, sản xuất kinh doanh đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Doanh thu ngành bán lẻ tăng mạnh cho thấy các chương trình kích cầu đang đi đúng hướng và có hiệu quả rõ rệt. Điều này cũng cho thấy phong độ của nhiều DN đã quay trở lại sau thời gian lao đao vì suy thoái kinh tế thế giới, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng… “Trước đây, khi lương tăng từ đầu tháng 7, nhiều người lo ngại lạm phát tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tuy nhiên, tôi đã đưa ra 2 phương án dự báo tăng trưởng với 5,5 – 6,5% và

6,3 – 7%, đồng thời khẳng định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Những gì diễn ra hiện nay là câu trả lời rõ ràng nhất. Dự báo mức tăng trưởng năm nay dao động trong khung từ 6,3 – 7% gần như chắc chắn. Nhưng GDP năm 2024 của VN, theo tôi, sẽ ở mức cao hơn, từ 6,8 – 7,3%, với tình hình giá cả như hiện nay”, ông Thịnh tự tin.

Để bảo vệ cho dự báo của mình, ông Thịnh phân tích: “Đến nay, giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất trong năm, dao động từ 20.000 – 21.000 đồng/lít; giá nhiều mặt hàng sắt thép, vật liệu xây dựng đang giảm; các chương trình kích cầu mạnh mẽ, chính sách giảm thuế GTGT, giảm một số loại thuế phí khác… đang tạo hiệu ứng kích cầu rất tốt. Đặc biệt, các hệ thống bán lẻ trong thời gian qua đã phối hợp với nhà sản xuất đẩy mạnh khuyến mãi liên tục đã và đang tăng nhu cầu mua sắm khu vực nội địa. Theo đó, sản xuất phục vụ thị trường trong nước sẽ tăng, nhập khẩu tăng. Đầu vào ổn định giá thậm chí giảm, đầu ra bán hàng tăng, dẫn đến kết quả doanh thu của DN phải lạc quan hơn là điều tất yếu”. 

Thay cho thông lệ vào cuối tháng 8 Tổng cục Thống kê sẽ công bố số liệu kinh tế – xã hội với các chỉ số tiêu dùng, tổng sản phẩm nội địa… theo Nghị định 62/2024 của Chính phủ, thời gian công bố số liệu thống kê được dời sang ngày 6 tháng sau. Theo đó, báo cáo thống kê kinh tế – xã hội tháng 8 sẽ được công bố vào ngày 6.9 tới. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 7 cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.


Nguồn

Next Post

'Thuế độc thân' - Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lan rộng châu Âu

Mon Sep 2 , 2024
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện lan rộng khắp châu Âu đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi người theo cách này hay cách khác – nhưng những người độc thân có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo công ty tài chính và bảo hiểm […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU