Dự án nhà hàng Pizza 4P’S Lotte Mall Tây Hồ đã thể hiện một cách tiếp cận độc đáo đối với các vật liệu chính thống và phi chính thống trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của TP. Hà Nội.
Thành phố và xã hội hiện nay có sự phát triển nhanh chóng, đồng thời đối mặt với việc nhiều nét văn hóa, cùng các nghề thủ công truyền thống đang dần mai một. Các KTS luôn tự hỏi làm cách nào để có thể bảo tồn và tôn vinh cái đẹp từ các nghệ nhân địa phương, để có thể truyền tải được tinh thần của một Hà Nội bình dị hiện nay.
Dự án lấy cảm hứng và tận dụng tối đa các giá trị từ các làng nghề truyền thống có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Hà Nội trong nhiều thế kỷ qua, hướng tới việc tìm đáp áp án bằng cách sử dụng các tổ hợp không gian từ nhiều vật liệu khác nhau.
Thông tin công trình
- Đơn vị thiết kế: ODDO architects
- Diện tích xây dựng (m2/ ft2): 400m2
- KTS chủ trì: Arch.Ing. Mai Lan Chi, Arch.Ing Marek Obtulovic, KTS. Nguyễn Đức Trung,
- KTS: KTS. Nguyễn Mạnh Hùng, KTS. Trần Thị Hằng, KTS. Nguyễn Thị Minh Anh, Arch. Robert Stubbs.
- Thực hiện hình ảnh: NAG. Trieu Chien
Cân bằng giữa tính chính thống và phi chính thống: Nhà hàng nằm trong một trung tâm thương mại mới và hiện đại (tính chính thống), trái ngược hoàn toàn với môi trường thân mật (tính phi chính thống) của TP Hà Nội. Không gian nhà hàng gồm khu vực trong nhà và ngoài trời với sự đa dạng các loại vật liệu địa phương và áp dụng phương pháp xây dựng hiện đại, nhà hàng tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa trang trọng và giản dị, phản ánh sự đa dạng trong văn hóa của thành phố.
Không gian đa dạng: Khách đến nhà hàng có thể trải nghiệm không gian với độ cao trần khác nhau, điều kiện ánh sáng khác nhau, mang đến những mức độ thân mật khác nhau và nhiều sự lựa chọn chỗ ngồi phù hợp. Qua đó, hoạch định ước lệ khu vực chỗ ngồi của khách hàng. Tuy vậy, không gian nhà hàng không cố định mà cho phép việc sắp xếp chỗ ngồi linh hoạt, phù hợp với nhu cầu hoạt động của nhà hàng.
Bề mặt hoàn thiện sàn là sự kết hợp nhiều vật liệu tái chế từ rác thải xây dựng như gạch vụn, mảnh vỡ đất nung, mảnh thủy tinh và những mảnh đá vỡ, được tái tạo thành các viên gạch terrazzo. Vì vậy, các khu vực chỗ ngồi không chỉ được xác định bởi khối trần phía trên mà còn bởi sự đa dạng của bảy khu vực sàn với các dạng hình học khác nhau.
Đối với các chi tiết trang trí nội thất, vật liệu cũng được lấy từ các nguồn tái chế khác. Cụ thể, những chiếc đĩa sứ vỡ, đồng phục nhân viên nhà hàng cũ, chai bia,… đều được thu gom từ các nhà hàng Pizza 4P’S khác và được sử dụng làm vật liệu hoàn thiện cho tường, vách ngăn, rèm cửa…
Sản phẩm từ làng nghề thủ công: Các khối hình học của khu vực trần là sự đa dạng họa tiết, hoa văn khác nhau từ các tấm mây, tre đan truyền thống. Mỗi tấm trần đan đều được làm thủ công một cách tỉ mỉ, do đó, sự khéo léo từ đôi tay của các nghệ nhân có thể được cảm nhận rõ trong không gian. Những vật liệu mây tre tự nhiên này cũng mang đến cho nhà hàng sự ấm cúng và thân thiện.
Các nghệ sĩ địa phương: Trung tâm không gian nội thất của nhà hàng được tạo điểm nhấn bởi quầy bar với hai lò nướng pizza đặc trưng cho thương hiệu của nhà hàng và các tác phẩm nghệ thuật đầy tính năng động và màu sắc do hai nghệ sĩ Việt Nam là nghệ sĩ Vũ Kim Thư và nghệ sĩ Phương Giò sáng tạo. Những tác phẩm nghệ thuật này được thiết kế dành riêng cho nhà hàng, với chất liệu chính từ túi nilon (đã qua sử dụng) và giấy dó truyền thống.
Yếu tố cây xanh – mặt nước: Khu vực ngoài trời chủ yếu hoạt động như một khu vườn mở, được che mát bởi kết cấu trên cao, với gồm bốn khối hình chữ nhật mềm mại. Những hình khối này được tạo thành từ các tấm tre đan, gỗ tái chế và thép. Cả bốn khối đều nằm trên một cấu trúc giàn giáo, được gia cố bằng dầm thép chữ I và một cấu kiện được liên kết thành một rọ sắt đóng vai trò là cột. Ranh giới của không gian bên ngoài được xác định bởi không gian mặt nước và hệ thống thuỷ canh (aquaponic), cung cấp nước, dinh dưỡng cho các cây trồng ngoài trời và trong nhà. Các loại cây xanh này bao gồm cả rau sạch được nhà hàng sử dụng. Đồng thời, hệ thống này giúp tăng khả năng làm mát cho không gian, và cũng là không gian có tính chất giáo dục. Đặc biệt, dành cho trẻ em có thêm những trải nghiệm và hiểu hơn về thiên nhiên.Trong thiết kế cũng đã cân nhắc tới việc gia tăng không gian trải nghiệm, vui chơi cho trẻ em tại khu vực các khối kết cấu phía trên khi quy mô của nhà hàng được mở rộng trong tương lai.
Nhìn chung, với việc kết hợp nhiều loại vật liệu khác nhau – Hay có thể nói là một sự chắp vá có chủ đích – Dự án không chỉ mang lại một không gian nghỉ ngơi, ấm cúng, dễ chịu cho các trải nghiệm của khách hàng. Mà qua đó dự án cũng truyền tải một thông điệp rằng mọi loại vật liệu phổ thông, chi phí thấp, và cả rác thải … nếu được tận dụng, được sáng tạo đều đó thể mang lại một giá trị mới, một đời sống mới cho chúng nhằm giúp ích cuộc sống hiện đại của con người.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)