‘Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD trong 2024’

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD trong năm 2024 và hiện dự trữ ngoại hối đạt khoảng 80 tỷ USD.

Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt nhận định tỷ giá USD/VND có một năm biến động tương đối mạnh với áp lực mất giá tiền đồng tăng cao trong quý II và IV.

So với đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm 1,9%, lên 24.320 đồng một USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng, còn tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3%, neo quanh 25.840 đồng. Như vậy, biến động tỷ giá năm nay vẫn nằm trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Để kiểm soát áp lực mất giá tiền đồng, VDSC cho biết nhà điều hành đã can thiệp bán ngoại tệ vào những giai đoạn tỷ giá trên thị trường chạm trần biên độ. Các đợt bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 4 đến tháng 7 với quy mô khoảng 6,5 tỷ USD. Giai đoạn hai diễn ra ít dồn dập hơn từ tháng 9 đến tháng 12 với quy mô khoảng 2,8 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024, Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD (khoảng 235.000 tỷ đồng).

Công ty chứng khoán này ước tính hiện dự trữ ngoại hối cuối năm nay đạt khoảng 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 3,3 tháng nhập khẩu vào cuối năm ngoái.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2024 là khoảng 84,1 tỷ USD, chiếm 19% so với GDP. Doanh số bán ròng ngoại hối của Việt Nam từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là 1,5% GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD.

Ngoài việc bán ngoại tệ, nhà điều hành cũng can thiệp trên thị trường mở, thông qua việc kiểm soát lãi suất. Hoạt động hút ròng thường gia tăng trong những giai đoạn tỷ giá tăng cao như tháng 5-6 hay tháng 10 và 12. Tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28.000 tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66.000 tỷ đồng năm ngoái.

Năm qua, lãi suất điều hành được giữ nguyên, đồng thời lãi suất trên thị trường mở ở kênh mua kỳ hạn và phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không tăng cao hơn mức lãi suất tái cấp vốn mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng (các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) là 3,4% một năm, cao hơn khoảng 1,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Khi lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng giảm mạnh về dưới mức lãi suất tái chiết khấu, Ngân hàng Nhà nước thường phát hành tín phiếu để đẩy lãi suất tăng trở lại. Đây cũng là động thái nhằm kiểm soát chênh lệch lãi suất USD – VND, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Dự báo xu hướng tỷ giá năm tới, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng vẫn có những áp lực nhất định.

Cụ thể, chỉ số sức mạnh của đồng bạc xanh có thể duy trì ở ngưỡng cao. Xu hướng chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới là hạ lãi suất và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Trong đó, thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hơn so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh USD cao hơn so với các đồng tiền khác. Ngoài ra, các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và theo đó, USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.

Dù vậy, VCBS nhận định, thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực. Trong đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dòng tiền vẫn tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam.

Đồng thời, kiều hối tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Đi kèm với đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi.

VCBS dự báo nhiều khả năng chỉ số USD Index sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao và có thể kéo dài hơn dự kiến, theo đó tiền đồng được cho là giảm giá tương đối so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3% cho cả năm 2025.

Quỳnh Trang



Nguồn

Next Post

4 dấu ấn nổi bật trên hành trình tiên phong thực hành ESG năm 2024

Mon Dec 30 , 2024
Phát triển bền vững đang trở thành chìa khóa dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu, không chỉ là phản ứng trước biến đổi khí hậu mà còn là yêu cầu để các doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU