BHYT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh. Mức hưởng BHYT 5 năm liên tục được quy định thể tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT số 25/2008/QH12, sửa đổi bởi Luật số 46/2014/QH13.
Theo đó, khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Để được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng BHYT 5 năm liên tục, người bệnh phải đáp ứng đủ các điều kiện:
(1) Tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên:
Được ghi nhận thời điểm đủ điều kiện ngay trên thẻ BHYT. Tức là, trên thẻ BHYT có dòng chữ: “Thời điểm đủ 5 năm liên tục: Từ …/…/…”. Nếu có thời gian gián đoạn thì chỉ được gián đoạn tối đa không quá 3 tháng.
(2) Có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở
Số tiền đồng chi trả được hiểu là khoản tiền mà người bệnh phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng trên thẻ BHYT.
Hiện nay, lương cơ sở áp dụng mức 1,8 triệu đồng/tháng thì số tiền cùng chi trả phải lớn hơn 6 x 1,8 triệu đồng = 10,8 triệu đồng.
(3) Khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Hồ sơ làm thủ tục hưởng BHYT 5 năm liên tục
Căn cứ Thông báo 2298/TB-BHXH ngày 14/11/2018, hồ sơ làm thủ tục hưởng BHYT 5 năm liên tục gồm:
– Thẻ BHYT;
– Giấy tờ tùy thân có ảnh (bản sao);
– Hóa đơn, chứng từ thanh toán viện phí (bản chính).
Sau khi có đủ các giấy tờ này, người bệnh nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi tham gia BHYT để được giải quyết.