Một vài nhận định về màu sắc và họa tiết trang trí Chùa Cầu sau khi trùng tu

Tóm tắt:

Công tác trùng tu Chùa Cầu ở Hội An (còn có tên gọi là cầu Nhật Bản hoặc Lai Viễn Kiều), một di tích quan trọng được UNESCO công nhận, hiện đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng. Điều này phản ánh sự quan tâm của cộng đồng đối với di sản và là cơ hội để nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa. Bài viết tập trung những vấn đề còn chưa được bàn kỹ: Về mục tiêu trùng tu; Về quan điểm trùng tu: Cần cân nhắc giữa việc giữ nguyên bản gốc và việc cải tạo theo thời kỳ sau đó; Về thẩm mỹ công trình sau trùng tu: Yếu tố nội thất và ngoại thất, cũng như giữa các thành phần trên mặt đứng và cảnh quan; Các yếu tố tác động đến chất lượng công trình: Bao gồm đánh giá hiện trạng, thiết kế và phê duyệt, chuẩn bị thi công, và thực hiện thi công. Việc kiểm tra và giám sát chất lượng trong các khâu này rất quan trọng để đảm bảo thẩm mỹ và tính nguyên gốc của công trình.

Bài viết nhấn mạnh sự cần thiết phải lắng nghe phản hồi từ cộng đồng và chuyên gia trong quá trình trùng tu. Bảo tồn văn hóa không chỉ là giữ gìn giá trị vật chất mà còn là bảo vệ giá trị tinh thần và cảnh quan môi trường xung quanh. Kinh nghiệm từ việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cho thấy sự cẩn trọng trong việc chọn lựa vật liệu và phương án kỹ thuật là cần thiết để không làm thay đổi cảm nhận về vẻ đẹp của công trình.

Những ngày qua, vấn đề trùng tu Chùa Cầu đang được rất nhiều người quan tâm. Dù có những ý kiến trái chiều thì nhìn theo hướng tích cực, đây là một tín hiệu đáng mừng vì nó cho thấy cộng đồng không hề thờ ơ với di sản. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để mọi người tìm hiểu thêm về công tác trùng tu, nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản để dần đi đến đích chung: Cộng đồng chung tay bảo lưu giá trị văn hóa bản địa. Với một công trình nằm trong quần thể di tích đã được Unesco công nhận như Chùa Cầu ở Hội An, đương nhiên sẽ được nhiều người kì vọng đi kèm lo lắng tổng thể phố cổ Hội An sẽ mất đi linh hồn, mất đi nét bản địa. Tuy đã có nhiều ý kiến của một số nhà chuyên môn, nhà quản lý đưa ra, song người viết bài nhận thấy còn một số điều cần thảo luận, làm rõ thêm để có cái nhìn đa chiều hơn.

Cũng giống công tác tư vấn kiến trúc thông thường, dù kiến trúc sư có thuyết phục chủ đầu tư và hội đồng đánh giá về giải pháp, các biện pháp kỹ thuật, quy trình… thế nào thì cuối cùng, điều quan trọng nhất là kết quả, là tác phẩm. Kết quả có phù hợp, có đáp ứng mong mỏi của số đông người sử dụng không, có mang lại hiệu quả về thẩm mỹ, về kinh tế… hay không.
Với trường hợp Chùa Cầu ở Hội An, khi thấy có nhiều luồng ý kiến trong cộng đồng thì ta cũng cần xem xét. Cho dù quá trình làm, các khâu đã rất tỉ mỉ, bài bản nhưng khi nhiều ý kiến nêu ra cũng cần mở lòng để tiếp thu, xem cần rút kinh nghiệm ở khâu nào. Vì không vô cớ mà có nhiều ý kiến phản đối. Mà những người phản đối là ai? – Là cộng đồng, những người quan tâm đến di sản, là người dân có trách nhiệm với địa phương, là du khách và những người yêu mến Hội An. Họ nhìn thấy trực tiếp hoặc thông qua hình ảnh trên mạng (đa phần cũng là hình đáng tin cậy nếu được nhiều người cùng đăng và báo chí chính thống đăng). Ngay cả trong Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng nêu việc phải lấy ý kiến cộng đồng.

Bảng 1: Một số quy định trong thiết kế và thi công tu bổ di tích. (Nguồn: Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích)

I. Mục tiêu và quan điểm trùng tu:

1. Mục tiêu

Trước khi bước vào một dự án tu bổ di tích, người làm công tác này luôn phải đặt ra mục tiêu. Mục tiêu tu bổ công trình này là gì? Mục đích của tu bổ là duy trì, bảo vệ và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử của di tích dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực…. Thường thì với các dự án bảo tồn sẽ gồm 2 mục tiêu (Chùa Cầu cũng không phải ngoại lệ):

  • Mục tiêu 1- Bền vững: Duy trì sự tồn tại càng lâu càng tốt thể vật lý của các cấu kiện và toàn bộ công trình. Mục tiêu 1 liên quan đến yếu tố kỹ thuật, vật lý, kết cấu.
  • Mục tiêu 2- Giữ được hồn di sản: Lưu được giá trị văn hóa, lịch sử. Giữ gìn nét đẹp để tiếp tục đưa vào khai thác du lịch, đóng góp giá trị kinh tế, văn hóa cho địa phương và cả nước. Đối với công trình đặc biệt, gắn với thương hiệu của địa phương thì nó còn có mục tiêu khẳng định vị thế của nơi đó. Chùa Cầu với Hội An cũng giống như Tháp Rùa của Hà Nội hay Tháp Eiffel ở Paris, là điểm giúp nhận dạng đô thị nhất là với du khách lần đầu đến Hội An. Mục tiêu 2 liên quan nhiều đến yếu tố thẩm mỹ và mức độ hoàn thiện của công trình.

Công trình Chùa Cầu cho thấy Mục tiêu 1 có thể đã đạt, người dân không phàn nàn về tính bền vững của công trình. Tuy nhiên, Mục tiêu 2 cần được đánh giá lại một cách đúng đắn, các yếu tố liên quan đến thẩm mỹ nên được thận trọng xem xét và kiểm tra. Phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày một số vấn đề liên quan đến mục tiêu này và đặt câu hỏi về quá trình trùng tu Chùa Cầu đã được thực hiện gần đây.

2. Quan điểm trùng tu

Tuy đi theo mục tiêu, song mỗi dự án bảo tồn lại áp dụng quan điểm, định hướng bảo tồn khác nhau tùy thuộc và tính chất, thời đại, bối cảnh của công trình hiện trạng mà người phụ trách dự án sẽ cần trình bày quan điểm. Quan điểm khác nhau sẽ dẫn đến cách ứng xử, lựa chọn biện pháp trùng tu khác nhau. Không nên đưa ra giải pháp nào mang tính cực đoan, máy móc mà cần tuỳ tính chất công trình để lựa chọn.
Đây là một vấn đề khác của việc trùng tu các di tích lịch sử! Chúng ta nên trùng tu lại nguyên bản như ban đầu (nếu có đủ tài liệu chứng minh). Song liệu công trình cách đây 400 năm có còn hồ sơ gốc nào để khẳng định nguyên bản không, và màu sắc, chất liệu, hoa văn họa tiết… ra sao? Hay nên trùng tu lại bằng cách bổ sung theo một trong những thời kỳ sau này, hoặc trùng tu lấy theo phiên bản gần nhất năm 1996?… Đây tương tự trường hợp trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris. Với lần trùng tu này của Chùa Cầu, phía tư vấn đề xuất trùng tu- hạ giải, ưu tiên “tính chân xác”. Dù là quan điểm gì, trên hết phải giữ được hồn cốt của di sản. Bởi mất giá trị tinh thần này công trình chỉ thuần túy với chức năng giao thông được che mưa nắng, sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng chứ không còn cảm nhận được giá trị văn hóa, hồn nơi chốn nữa. Việc trùng tu rất khác với công tác sửa chữa. Nếu chỉ hạ giải, kiểm đếm rồi lắp dựng bồi hoàn, trả lại các cấu kiện thì công việc đó xem ra như công tác kỹ thuật sửa chữa thuần túy. Công tác trùng tu đòi hỏi sự nhạy cảm về thẩm mỹ để phần hình ảnh không bị ảnh hưởng.

II. Thẩm mỹ công trình sau trùng tu:

Đề cập đến tính Thẩm mỹ, phải nói đến các yếu tố về tỷ lệ – sự hài hòa, ngôn ngữ kiến trúc (hình dáng, đường nét, chất liệu, màu sắc). Trong các yếu tố trên, tỷ lệ là quan trọng nhất vì nó tạo ra sự hài hòa.

Có thể thấy nội thất Chùa Cầu đã đạt được một số yếu tố thẩm mỹ như: Giữ được các cấu kiện gỗ, vì kèo và cả sàn gỗ lim, các lan can… Tuy nhiên phần mặt đứng bên ngoài rất quan trọng. Do công trình nằm ở vị trí nổi bật về cảnh quan nên tác động về thị giác của nó rất quan trọng. Có một số yếu tố về thẩm mỹ cần phân tích thêm như sau:

1. Thiếu tính đồng nhất

– Thiếu tính đồng nhất giữa công trình với nền cảnh quan của Hội An. Trùng tu công trình nằm trong một quần thể khác với trùng tu công trình đơn lẻ. Chùa Cầu nằm trong quần thể khu phố cổ chứ không phải công trình độc lập. Nó là nơi kết nối trục tuyến phố chính. Tuy nhiên, sau khi trùng tu, sắc độ của mái đã nhạt hơn rất nhiều (là do bị đắp hồ/vữa quá nhiều vào phần rãnh âm của mái ngói và còn có thể do thi công vữa lem ra ngói, khó lau sạch được). Ngói của những diện mái phía sau còn bị đắp hồ (vữa) rất dầy, gần như lấp phẳng, vậy nên, mái không còn giữ được hình ảnh gợn sóng đặc trưng của cách lợp ngói âm dương, thay vào đó như một mái phẳng. (Hình 1)

Hình 1: Sau trùng tu, mái đã bị làm phẳng, không còn nổi viên ngói mái âm dương. Ảnh báo Dân Trí 30.7.2024

Vì vậy thấy rất rõ toàn bộ hệ mái Chùa Cầu bị sáng trắng điểm hoa xanh dương “nổi bật” ra khỏi màu nền chung của các mái nhà Hội An (Hình 2). Cũng phải nói thêm rằng, người dân Hội An xưa nay rất có ý thức bảo vệ di sản, họ rất kỹ tính trong trùng tu ngôi nhà của mình. Các ngôi nhà cổ khi vừa mới trùng tu xong thì màu mái ngói âm dương (sử dụng ngói ở làng Thanh Hà – Hội An), màu phù điêu bờ nóc khá tinh tế và màu ve tường vẫn gần như tệp với nền chung của các ngôi nhà cũ. (Hình 3)

Hình 2: Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu, mái chùa sau khi hoàn thành không còn tính kết nối 2 bờ nữa bởi sắc độ của ngói quá sáng

 

– Nội thất và ngoại thất không cùng cách ứng xử. Trong khi nội thất thì cấu kiện gỗ để nguyên các thanh gỗ, vá gỗ cũ với gỗ mới và không dùng sơn hay vecni phủ để tệp màu cùng nhau, vì vậy nhìn thấy rõ quan điểm là đưa về từng thời kỳ, giữ tính chân xác từng thời kỳ. Tuy nhiên, phần mái thì xác định màu gốc và xử lý quét vôi toàn bộ trở về màu “nguyên bản”. Và những chỗ quét vôi đó màu rất mới (giải thích lý do phía dưới). Kết quả là mất tính đồng nhất về thời kỳ giữa bên trong và bên ngoài (Hình 4).

– Thiếu đồng nhất ngay cả các thành phần trên mặt đứng: Từ trên xuống thấy rõ độ vênh giữa phần mái (đắp vữa/hồ – mới), phần thân (gỗ vá – cũ), phần dầm bao (tô/trát vữa trắng – mới), phần đá mố cầu (không thay – cũ) (Hình 5).

Hình 5: Sự không nhất quán khi tác động đến các thành phần mặt đứng khiến công trình mất tính đồng nhất

2. Về màu sắc

– Về sắc độ: (tham khảo bảng sắc độ – hình 6) Công trình Chùa Cầu kiểu thượng gia hạ kiều độc đáo, có rất nhiều ảnh tư liệu nhiều thời kỳ nhưng hầu hết các thời kỳ đều ở 1 trong 2 trạng thái về sắc độ:

+ Trạng thái 1- cảm nhận tổng thể liền một khối: Tất cả mái, thân và đế móng đều cùng một hệ sắc độ dù màu có khác nhau: Mái màu đỏ đất, gỗ nâu xám, mố và trụ cầu màu xám (Hình 7a và 7b). Có thể tham khảo thêm cầu ngói Thanh Toàn 248 năm tuổi của Huế và cầu ngói chợ Lương, Hải Hậu, Nam Định 500 năm tuổi cũng có sắc độ, tạo ra sự thống nhất một khối. (Hình 7c)

Hình 6- Bảng sắc độ từ 1 (gần với trắng) đến 10 (đen tuyệt đối)

Sắc độ tạo ra cảm giác về khối. Nếu gần sắc độ nhau thì liền khối, nếu quá chênh sắc độ thì sẽ rời rạc, mất khối

 

Hình 8: Trạng thái 2 – Chia 2 phần: Nhà và Cầu, làm rõ “thượng gia hạ kiều”.

Công trình sau trùng tu có những sắc độ quá khác biệt, tạo ra các phân vị ngang quá mạnh, mặt đứng bị rời rạc. Không thuộc trạng thái 1 hoặc 2 khiến cho nhiều người không nhận ra là bởi trong tiềm thức, không có hình ảnh Chùa Cầu khác biệt như vậy (Hình 9)

Hình 9: Phân tích sắc độ trên hình ảnh Chùa Cầu hiện nay, sau khi trùng tu

– Về chọn màu

+ Chọn màu hoàn thiện ngoại thất chưa tốt: Có một lý thuyết về “tỷ lệ diện màu”, đó là: Diện màu càng lớn, tính biểu cảm của màu càng mạnh, càng kích ứng thị giác. Trong khi đó, việc chọn màu sơn trên bảng màu (key color) có thể mang nhiều rủi ro vì những miếng màu mẫu trên danh mục (catalogue) thường nhỏ, nhìn đẹp, có thể phù hợp nhưng khi tô lên mảng lớn thì nó lộ ra độ chói màu hoặc bị kênh màu. Vì vậy, quét vôi diện lớn trên bề mặt kiến trúc sẽ phải kiểm tra lại độ bão hòa màu (saturation) để màu hài hòa hơn.

Hình 10: Hình ảnh trước khi trùng tu cho thấy phần dầm biên được xác định liền mạch với khối đế.

+ Các thành phần màu sắc chưa được cân nhắc kỹ: Ngói, chi tiết đắp vữa, gỗ mới, gỗ cũ, trụ đá cũ… với những chất liệu khác nhau, thời kỳ khác nhau. Nay khi đưa về một hình ảnh, cần lựa chọn ngôn ngữ chung về màu thời gian để trả lại một bức tranh cuối cùng được tốt nhất. Người chủ trì cần lựa chọn màu một cách tinh tế và không quá máy móc, không quá áp đặt thì mới có thể có một bản màu tổng thể hoàn chỉnh. Ngay cả với công trình nội thất khi thiết kế mới cũng cần đưa ra bản moodboard (tạm dịch là “bảng cảm hứng”) là bảng tập hợp và thể hiện các yếu tố như hình ảnh, màu sắc, kiểu dáng các thành phần chi tiết, vật liệu và các yếu tố khác nhằm truyền tải cảm xúc, có tác động đến thẩm mỹ một dự án thiết kế. bảng này giúp khách hàng và người thiết kế không mắc phải những sai lầm gây tốn kém chi phí trong quá trình thiết kế.

3. Về chi tiết bờ nóc

Thường khi trùng tu hạ giải, rất hay làm sai chỗ này. Những chi tiết này dễ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công trình do thiếu tính chân xác. Việc tháo gỡ các chi tiết và đánh số cẩn thận kết hợp với bảo quản là một phần tác động đến kết quả. Khâu thực hiện cuối cùng lại cần những người thợ lành nghề lâu năm, thợ bậc bảy. Nó phụ thuộc cách pha màu vôi ve đúng thời kỳ mà dự án lập luận muốn đưa về. chọn màu tô lên chi tiết phải được thường xuyên giám sát mỹ thuật, thường xuyên tham vấn chuyên gia, nhân chứng lịch sử và nghệ nhân địa phương để không bị sai lệch màu. Hơn nữa trong cùng một gốc màu có rất nhiều trạng thái biểu cảm khác nhau, mang lại ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ như: Màu xanh dương thiếu gốc đỏ sẽ có tính trẻ trung, tươi mới của thời đại này, nhưng nếu pha thêm chỉ 1% gốc màu đỏ và vàng sẽ bão hoà xuống và trở nên đằm màu hơn. Vì thế, quá trình này thường là tô đi tô lại để thử màu, xin ý kiến, điều chỉnh, phải kiểm tra màu lại với các chi tiết công trình có thể chọn làm so sánh ở địa phương trước và sau khi đã trùng tu. Công đoạn này thể hiện trong nhật ký công trình. Vậy nhật ký công trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã thể hiện điều này chưa? (Hình 11)

Hình 11: Chi tiết bờ nóc Chùa Cầu (Ảnh: Tạp chí điện tử đầu tư tài chính 28/7/2024)

III. Các yếu tố tác động đến chất lượng công trình tu bổ

Như đã trình bày ở trên, dự án này có nhiều điểm mới cần trở thành bài học về công tác tu bổ di tích, nhất là các công đoạn hạ giải, chuẩn bị mặt bằng thi công, mở ra với công chúng tham quan quá trình thi công… Tuy nhiên phần thẩm mỹ công trình vẫn chưa được đánh giá tốt, vẫn cần phân tích, tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm.

Có 4 yếu tố tác động đến chất lượng công trình tu bổ gồm:

  1. Vẽ, đánh giá hiện trạng;
  2. Thiết kế và phê duyệt;
  3. Công tác chuẩn bị thi công;
  4. Thi công phần thô và thi công hoàn thiện.

Cả 4 khâu này đều có tác động đến công trình, đặc biệt là thẩm mỹ công trình. Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã thực hiện các khâu này như thế nào? Từng bước đã được thực hiện, kiểm tra, thẩm định ra sao? Nếu công tác lập dự án, thiết kế tốt rồi thì khâu thi công hoàn thiện (chất liệu và màu sắc) khâu giám sát tác giả như thế nào? Quá trình hoàn thiện khi quét vôi có theo quy trình: Sơn thử trên diện nhỏ, kiểm tra, sơn trên mảng lớn và xin ý kiến cộng đồng, chuyên gia không?

Bên cạnh đó, các yếu tố tác động này cũng phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh khách quan, hạn chế nguồn lực và cơ chế. Các địa phương cần chung tay và cần cơ chế rõ ràng để công trình thực sự được bảo tồn tốt và quay lại phục vụ du lịch, phục vụ cộng đồng.

Bảng 2: Các yếu tố tác động đến chất lượng công trình tu bổ di tích (Nguồn: Tác giả)

Để kết thúc bài viết, tác giả xin đưa ra một ví dụ về hoạt động tu bổ khá thận trọng về chất liệu, màu sắc, về tính nguyên gốc, đó là công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Quá trình trùng tu khi thấy viên ngói mới có trong lượng lớn hơn nhiều viên ngói cũ, sẽ ảnh hưởng kết cấu, công trình đã phải dừng lại để nghiên cứu thêm về chịu lực mái. Đưa ra phương án thay đổi về giải pháp chịu lực mà không làm thay đổi cảm nhận về vẻ đẹp công trình.

Hình 11: Trùng tu nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, thận trọng về chất liệu, màu sắc và tính nguyên gốc (Ảnh tác giả chụp ngày 1/8/2024)

Bảo tồn văn hóa là giữ gìn hoàn toàn giá trị tinh thần của công trình và bảo vệ cảnh quan cả môi trường xung quanh. Quan điểm, mục tiêu của dự án là đúng, nhưng trong quá trình tu bổ di tích, khi nghe tiếng nói của người dân phản ánh, chúng ta vẫn cần bình tĩnh nghiên cứu, kiểm tra thêm. Dù hướng đúng hay sai, vì giá trị của công trình, vì vai trò và vị trí của di sản, đây vẫn là bài học điển hình và có thể là một tiền lệ. Vậy nếu là tiền lệ xấu sẽ ảnh hưởng không tốt cho các công trình bảo tồn di sản sau này. Thận trọng để có một kết quả tốt hơn cho tương lai cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân người làm chuyên môn cũng như cộng đồng hôm nay.

PGS.TS. KTS. Nguyên Hạnh Nguyên
© Tạp chí kiến trúc


Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định 70/2012 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
2. Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
3. Trần Đức Anh Sơn, Trùng tu Chùa Cầu: Cớ gì mà phải xôn xao? – Báo Quảng Nam, 29/07/2024;
4. Anh Tuấn, Trùng tu di tích nhìn từ chuyện Chùa Cầu, Báo Lao Động online – 31/07/2024


Xem thêm: 



Nguồn

Next Post

Trả lương hưu, trợ cấp qua tài khoản ở 20 tỉnh thành từ ngày 1/9

Sat Aug 10 , 2024
Theo bảo hiểm xã hội (BHXH), thời gian qua, ngành BHXH tập trung đảm bảo tất cả các nguồn lực giảm khâu trung gian để chi trả kịp thời nhất chế độ lương hưu và trợ cấp cho người hưởng. Thống kê cho thấy, trong đợt gần nhất 1/8, cơ […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU