Mất 50 triệu đồng khi mua vé chương trình ‘Anh trai say hi’ qua mạng

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi cảnh báo lừa đảo liên quan đến việc mua vé các chương trình ca nhạc. Chẳng hạn, trước sức hút của hai chương trình âm nhạc lớn là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” nhiều fan hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi ban tổ chức mở bán nên đã phải tìm mua lại vé trên mạng. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.

Cẩn thận khi mua vé các chương trình ca nhạc như “Anh trai say hi” qua mạng

ẢNH: CỤC AN TOÀN THÔNG TIN

Cụ thể, mới đây, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thực hiện điều tra, xác minh vụ lừa đảo khi mua vé xem chương trình “Anh trai say hi”. Theo đó, nhóm chị N. (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chuyển tiền cho một đối tượng, giới thiệu làm trong ban tổ chức bán vé xem chương trình “Anh trai say hi”. Nhưng sau khi chuyển tiền, đối tượng này đã không cung cấp được vé cho chị. Bài đăng trên các hội nhóm mạng để rao bán vé chương trình cũng bị gỡ bỏ. Nghi ngờ bị lừa đảo, nhóm chị N. đã đến Công an phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 50 triệu đồng.

Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, pass vé nhằm thu hút người dùng. Ngoài ra, đối tượng còn tung ra nhiều “chiêu thức” như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường, người mua thường không phát hiện ra cho đến khi đến cửa vào sự kiện. Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc trước với lý do “đảm bảo vé”, sau đó biến mất và không cung cấp vé. Bên cạnh đó, một số đối tượng quảng cáo vé VIP hoặc các gói dịch vụ đặc biệt mà thực chất là không tồn tại, dụ dỗ người mua với các lợi ích, giá trị không có thật.

Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi thực hiện mua hoặc mua lại vé xem chương trình ca nhạc, sự kiện. Chỉ nên tuân thủ đúng quy định về mua bán vé theo kênh phân phối của ban tổ chức. Trường hợp sang nhượng, trước khi giao dịch, người dân cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội vàng chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch; ưu tiên các hình thức thanh toán, giao dịch trực tiếp để có thể xác định được sự uy tín của tấm vé, tránh bị trục lợi. Thực hiện theo dõi những thông tin trên kênh bán vé chính thống, không tin tưởng vào những thông tin thiếu tính xác thực được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.


Nguồn

Next Post

Mua shophouse Hà Nội giá 30 tỷ, cho thuê mỗi tháng vài chục triệu đồng/tháng, “giật mình” nhẩm tính tỷ suất lợi nhuận chưa đến 1%

Wed Dec 4 , 2024
Hơn 3 năm trước, shophouse như “miếng bánh màu mỡ” khi các dự án liên tục mở bán và quảng cáo bằng ngôn từ mỹ miều như “con gà đẻ trứng vàng”, giá tăng không ngừng, cho thuê sinh lời cao. Giá shophouse cũng từng ghi nhận đà tăng chóng […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU