Mạng xã hội của giới tội phạm, trở thành hang ổ của những kẻ xấu, tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp

Pavel Durov

Mới đây, việc ông chủ Telegram là Pavel Durov bị bắt đã làm xôn xao giới truyền thông. Thế nhưng không phải ngẫu nhiên mà Durov lại trở thành đích ngắm của các nhà chức trách.

Tính năng bảo mật tốt của Telegram cho người dùng đã vô hình chung biến nơi đây thành mạng xã hội của giới tội phạm. Chính sách cộng đồng quá cởi mở, tự do của Telegram đã tạo nên một nơi trú ẩn online an toàn cho những kẻ xấu trên mạng.

Bất chấp những điều đó, nhà sáng lập Durov vẫn không chịu chấp nhận nhìn vào sự thật rằng sản phẩm của mình đang gián tiếp gây ra nhiều vụ phạm tội trên toàn cầu, rằng ứng dụng Telegram là một công cụ nguy hiểm của giới tội phạm, từ những kẻ buôn súng, ma túy, mại dâm cho đến khủng bố.

Án tù 20 năm

Tờ Financial Times (FT) cho biết kênh Gun Shop America trên Telegram là một nhóm chuyên buôn bán hàng cấm bất hợp pháp tại Mỹ với 26.000 người đăng ký, từ những khẩu súng Glock 9mm có đạn với giá 500 USD, Cocaine Bolivia với giá 1.000 USD/ounce cho đến những tấm thẻ ngân hàng giả mạo với giá 5.000 USD.

Telegram: Mạng xã hội của giới tội phạm, trở thành hang ổ của những kẻ xấu, tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp- Ảnh 2.

“Hãy đặt hàng tiếp đi các bạn”, chủ kênh ẩn danh trên kênh này quảng cáo khi mời chào mọi người mua hàng bằng Bitcoin hoặc đồng USD.

Theo FT, kênh Gun Shop America chỉ là một trong số hàng chục nghìn hội nhóm trên Telegram kinh doanh hàng cấm, trở thành chợ giao dịch của lũ tội phạm. Vô số chuyên gia an ninh mạng đã khẳng định Telegram đã trở thành “Web đen” của những kẻ vi phạm pháp luật, những gã tin tặc hay những kẻ trao đổi dịch vụ bất hợp pháp mà không phải chịu hậu quả.

“Telegram đã trở thành phương tiện truyền thông xã hội dành cho tội phạm có tổ chức”, giám đốc Haywood Talcove của LexisNexis Risk Solutions cho biết khi ứng dụng này trở thành nơi lan truyền công cụ độc hại của cộng đồng tin tặc.

Đồng quan điểm, báo cáo của Guardio cho thấy Telegram đã trở thành nơi hướng dẫn miễn phí cho các gã tin tặc, cung cấp các bài hướng dẫn, công cụ hay thậm chí là thông tin nạn nhân. Đây cũng là nơi những tên tội phạm nhận đơn hàng phạm pháp mà chẳng sợ chịu hình phạt gì.

“Trước đây, những công cụ hay việc giao dịch phạm pháp như thế này chỉ tồn tại trên các kênh bảo mật ở Web đen, nơi người dùng muốn truy cập phải dùng đến trình duyệt đặc biệt hay các dòng mã phức tạp. Thế nhưng giờ đây chúng được công khai và dễ dàng tiếp cận chỉ vì Telegram, một ứng dụng chống lại sự can thiệp từ chính phủ”, báo cáo của Guardio nêu rõ.

Thậm chí, ứng dụng này đã trở thành nguồn tin tức và tài nguyên mạng không thể thiếu của các nhóm khủng bố, khiến các cơ quan chức năng đau đầu cố gắng giải quyết.

Xin được nhắc rằng sự bảo mật của Telegram không đến từ công nghệ hay kỹ thuật mà chỉ đơn giản là do chính sách quyền riêng tư của ứng dụng này. 

Điều này nghĩa là những tin nhắn, thông tin, nội dung của người dùng trên Telegram sẽ không được bảo mật đầu cuối như trên các ứng dụng Lotus, Facebook Messenger hay WhatsApp và chúng dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho giới tội phạm.

Telegram: Mạng xã hội của giới tội phạm, trở thành hang ổ của những kẻ xấu, tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp- Ảnh 3.

“Các nhà phát triển Telegram đã khẳng định sản phẩm của họ an toàn và được bảo vệ nhưng thực tế là điều đó không hoàn toàn đúng. Một số điểm kỳ quặc khiến việc bảo vệ tin nhắn của bạn trở nên khó khăn và một số tính năng đáng ngờ cũng như sự kém logic trong thuật toán khiến chúng kém an toàn hơn so với mọi người vẫn nghĩ”, báo cáo của hãng bảo mật Kaspersky nêu rõ.

“Telegram không cung cấp mã hóa đầu cuối tin nhắn và với những hiểm họa trên ứng dụng này thì bạn nên tránh xa nó. Đây không phải trò đùa”, tờ Forbes cảnh báo.

Theo Kaspersky, những quảng cáo tràn lan từ dữ liệu người dùng, phim ảnh khiêu dâm, dịch vụ tin tặc cho đến ma túy và vũ khí đang tràn lan trên các hội nhóm Telegram. Những bài đăng kiểu này đã tăng đến 53% trong tháng 5-6 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Tất nhiên, cả người dùng lẫn giới tội phạm vẫn thích Telegram khi tin nhắn hay nội dung có thể xóa vết tích mà không để lại nhiều dấu vết, đồng thời nặc danh ẩn mình trong các cuộc trò chuyện.

Nếu Facebook Messenger có thể nhận biết qua hồ sơ tài khoản thì Telegram lại chẳng cần thông tin gì nhiều ngoài số điện thoại nhận mã OTP.

Chính vì vậy mà Telegram nhanh chóng trở thành một trong 5 ứng dụng được tải về nhiều nhất trên thế giới với khoảng 700 triệu tài khoản hoạt động tích cực mỗi tháng. Mặc dù tuyên bố là “bảo vệ quyền tự do ngôn luận” nhưng Telegram lại đang trở thành công cụ của bọn tội phạm hơn là những lợi ích mà nó đem lại.

Telegram: Mạng xã hội của giới tội phạm, trở thành hang ổ của những kẻ xấu, tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp- Ảnh 4.

Đồng thời, nhà sáng lập Durov cũng đang bị cáo buộc là đồng phạm cho các hoạt động buôn ma túy, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố…chỉ vì tư tưởng tự do nguy hiểm của mình đang tiếp tay cho người xấu, qua đó đối mặt án tù lên đến 20 năm.

Giấc mơ nguy hiểm

Một trong những lý do chính khiến Telegram trở nên nguy hiểm với xã hội là tư tưởng của nhà sáng lập Pavel Durov khi ông muốn xây dựng một nền tảng riêng tư không bị chính phủ can thiệp.

Kể từ khi thành lập vào năm 2013, nhà sáng lập Pavel Durov đã tìm cách đưa nền tảng này trở thành một giải pháp thay thế hướng đến quyền riêng tư cho các nền tảng Big Tech, hay đơn giản hơn là một nền tảng mạng xã hội không thể bị chính phủ can thiệp như Facebook đang phải chịu đựng.

Ở tuổi 39, nhà sáng lập Durov rất ít trả lời truyền thông khi lần cuối cùng ông phỏng vấn là vào năm 2017. Nền tảng Telegram của Durov có khoảng 50 nhân viên toàn thời gian bao gồm 30 kỹ sư, một con số quá ít ỏi để có thể cam kết bảo mật thông tin cho người dùng nếu so sánh với các tập đoàn lớn.

Tuy nhiên tiêu chuẩn kiểm duyệt quá lỏng lẻo và tư tưởng tự do nguy hiểm của Durov lại đang biến Telegram thành thỏi nam châm cho vô số kẻ tung tin sai lệch, thông tin giả mạo, những người theo thuyết âm mưu và nguy hiểm hơn là lũ tội phạm cực đoan.

Sau khi Meta (Facebook) và Youtube (Google) thắt chặt chính sách kiểm duyệt nội dung, những tội phạm này đang chạy trốn sang Telegram và biến chúng thành công cụ tuyên truyền những thông tin sai lệch.

Telegram: Mạng xã hội của giới tội phạm, trở thành hang ổ của những kẻ xấu, tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp- Ảnh 5.

Dẫu vậy, chẳng cơ quan nào làm gì nổi khi Telegram đặt trụ sở chính ở Dubai, qua đó thoát khỏi phần lớn sự giám sát của các cơ quan quản lý hay những bộ phận hành pháp.

“Ở Dubai, chính phủ không làm phiền chúng tôi”, nhà sáng lập Durov từng nói.

Với mục tiêu đạt 1 tỷ người dùng trong năm nay, Durov đang muốn mở rộng quy mô để kiếm tiền quảng cáo và hướng tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên điều này càng khiến những mặt tối của Telegram bị bộc lộ.

“Telegram đang hỗ trợ cho lũ tội phạm trên toàn cầu, từ gian lận, buôn bán vũ khí, ma túy cho đến buôn bán người”, giáo sư David Maimon khoa tư pháp hình sự và tội phạm học tại Đại học bang Georgia, vốn đã theo dõi và xâm nhập hàng nghìn hội nhóm tội phạm trên Telegram từ năm 2019, khẳng định.

Đồng quan điểm, tờ New York Times (NYT) cho hay Telegram đang là nơi diễn ra nhiều cuộc thảo luận của những kẻ ấu dâm hay tội phạm tình dục. Ứng dụng này trở thành nơi phổ biến của việc lan truyền những clip quay lén, nhạy cảm hay các nội dung độc hại của tội phạm tình dục.

Thậm chí, Telegram còn trở thành nơi chiêu mộ, khoe khoang thành tích của các nhóm khủng bố bất chấp lời hứa kiểm duyệt từ nhà sáng lập Durov. Với đội ngũ nhân viên chỉ khoảng 50 người, việc loại bỏ hết những nội dung xấu xí trên là điều không thể, chưa kể đến quan điểm tự do nguy hiểm của nhà sáng lập.

Telegram: Mạng xã hội của giới tội phạm, trở thành hang ổ của những kẻ xấu, tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp- Ảnh 6.

Tờ FT nhận định Telegram hiện đang trở thành một công cụ tuyên truyền của giới tội phạm, thậm chí trở thành chiến trường cho chiến tranh thông tin giữa các bên vì sự tự do quá mức của ứng dụng.

Xin được nhắc là Telegram chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 10 người chuyên phụ trách kiểm duyệt và hàng trăm cộng tác viên thuê ngoài. 

Thế nhưng Durov với tư tưởng nguy hiểm của mình lại vẫn chưa chịu mở rộng nhân lực cho nhóm này hay chú tâm hơn vào kiểm duyệt nội dung.

Một số chuyên gia đã phản đối và bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Durov.

“Tự do ngôn luận không bị kiểm duyệt là một ý tưởng sai lầm, rất dễ bị các nhóm có nguồn lực dồi dào và tổ chức cao, hiểu biết kỹ thuật lợi dụng để thao túng dư luận bằng các thuyết âm mưu”, chuyên gia Samuel Woolley của trường đại học Texas-Austin cảnh báo.

*Nguồn: FT, NYT, Forbes

Nguồn

Next Post

Ngân hàng siết nợ loạt căn hộ thuộc dự án Cherry Apartment

Mon Aug 26 , 2024
Khoản nợ đầu tiên là của bà Vũ Thị Liên, với giá trị ghi sổ đến cuối tháng 5/2024 gần 9 tỷ đồng, trong đó nợ lãi chiếm gần 3 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là một căn hộ có diện tích sàn gần 141 m², được mua bán […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU