Liên tiếp tín hiệu quan trọng của dự án 70 tỷ USD, giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP HCM ngày càng gần?

Bộ GTVT đã trình Bộ Chính trị Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chiều 17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 14 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 13 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Theo báo cáo, đến nay, tổng số dự án thuộc danh mục Ban Chỉ đạo là 40 dự án trên tổng số 92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không; đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố.

Sau 13 phiên họp, cả nước đã hoàn thành 2 dự án trên tổng 12 dự án thành phần (cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Tuyên Quang-Phú Thọ) với tổng chiều dài 674 km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.021 km. Cả nước đang xây dựng, thi công khoảng 1.700 km cao tốc và chuẩn bị khởi công 1.400 km cao tốc nữa.

Đặc biệt, tại buổi họp, Bộ GTVT cho biết, bộ đã trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ được bàn trong kỳ họp tháng 10 tới đây – Ảnh minh họa tạo bởi AI Chat GPT

Ngay trong buổi họp, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT trong việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Cũng liên quan đến siêu dự án này, ngày 12/9, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đã đề nghị bổ sung 4 nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 21/10 tới đây. Trong đó, có 1 nội dung liên quan đến dự án này đó là: Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (để thực hiện quy định tại khoản 3.3 Điều 3 của Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024).

Phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành dự án, giá vé sẽ có nhiều hạng mức như máy bay

Hồi tháng 7, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có buổi họp riêng về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp lưu ý so với đường sắt tốc độ cao của các nước ở tốc độ, quy mô tương tự và tính đến yếu tố địa hình, địa chất của Việt Nam; khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, tài chính, vận tải, logistics; nghiên cứu cơ chế huy động vốn từ Trung ương đến địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc vốn doanh nghiệp.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc – Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Liên tiếp tín hiệu quan trọng của dự án 70 tỷ USD, giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP HCM ngày càng gần?- Ảnh 2.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam hồi tháng 7 – Ảnh: VGP

Kết luận tại buổi họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa, thuyết phục hơn nữa. Theo đó, mục tiêu và yêu cầu đặt ra là cần phải hoàn thành chiều dài đường sắt tốc độ cao khoảng 1.541km qua 20 tỉnh, thành phố. Thời gian thực hiện khoảng 10 năm, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành.

“Để đạt mục tiêu, cần nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất, nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, VnExpress dẫn lời Thủ tướng nói tại buổi họp.

Cũng trong tháng 7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã có chia sẻ thêm về dự án. Theo ông Huy, để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT đã phối hợp với nhiều đoàn công tác của Chính phủ và các bộ, ngành, chuyên gia, các cơ quan liên quan đi tham khảo học hỏi kinh nghiêm từ các nước đã xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Liên tiếp tín hiệu quan trọng của dự án 70 tỷ USD, giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP HCM ngày càng gần?- Ảnh 3.

Giấc mơ ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở TP HCM bằng tàu cao tốc đang ngày càng gần – Ảnh minh họa tạo bởi AI Chat GPT

Về mức giá dự kiến cho tuyến đường sắt tốc độ cao, báo Dân Việt dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy: “Chúng tôi sẽ chia thành 3 hạng vé: Hạng vé thương gia có giá tương đương với vé máy bay thương gia phục vụ người có nhu cầu chất lượng cao; Hạng vé thứ 2 có giá tương đương 0,75% giá trung bình vé máy bay; Hạng vé thứ 3 có giá 0,45% giá vé trung bình của vé máy bay. Chúng tôi định hình ra từng hạng vé để người dân dễ tiếp cận”.

Như vậy, giá vé tàu sẽ được tính theo tỷ lệ trung bình của giá vé máy bay của hai hãng bay phổ thông nhất là Vietjet và Vietnam Airlines.

Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Thống kê, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037. Có nhiều quốc gia muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong dự án trọng điểm này như Trung Quốc, Nhật Bản…

Nguồn

Next Post

Kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ có thể hoàn thành trong nửa đầu năm 2025

Wed Sep 18 , 2024
Ảnh minh họa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường. Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng đã thông tin về lý do nội dung Phương án tăng vốn từ phát hành cổ phiếu […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU