Sáng 22.2, giá xăng dầu lao dốc, dầu Brent giảm 2,05 USD, tương đương 2,68%, xuống 74,43 USD/thùng; dầu WTI giảm 2,08 USD, tương đương 2,87%, xuống 70,4 USD/thùng.
Tuy vậy, tính hết tuần, các mặt hàng dầu chuẩn chỉ giảm khoảng 0,5% do trong tuần có nhiều phiên tăng liên tiếp.
Các nhà phân tích cho rằng, giá dầu quay đầu giảm nhờ tình hình ở Trung Đông tương đối bình lặng khi lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza được duy trì. Bên cạnh đó, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng hỗ trợ giá dầu giảm.
Giá dầu thế giới quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tục
Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên là sự gián đoạn nguồn cung dầu. Nga cho biết lưu lượng dầu của Liên minh đường ống Caspian – một tuyến đường chính để xuất khẩu dầu thô từ Kazakhstan đến các thị trường khác trên thế giới, đã giảm 30 – 40% từ ngày 18.2, sau khi một trạm bơm ở Nga bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái.
Trên Reuters, nhà phân tích Alex Hodes tại StoneX kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu thô vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng.
Trong nước, ngày 22.2, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường vùng 1 (gần cảng, kho, nhà máy lọc dầu…) do Petrolimex công bố phổ biến như sau: xăng RON 95-V có giá 21.900 đồng/lít, xăng RON 95-III 22.330 đồng/lít, xăng E5 RON92 20.850 đồng/lít, dầu diesel 19.470 đồng/lít, dầu hỏa 19.510 đồng/lít, dầu mazut 17.590 đồng/kg.
Trước diễn biến giá thế giới trong tuần này, các dự báo cho thấy, giá xăng dầu trong nước tuần tới có thể tăng nhẹ.