Marco Casamonti là một trong những kiến trúc sư đương đại nổi tiếng của Ý với nhiều công trình biểu tượng kinh điển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 17/01/2025 tại Hà Nội, Giáo sư Marco Casamonti đã có bài diễn thuyết về 9 công trình ấn tượng của ông tại sự kiện “Tribute: Architecture as a form of dialogue”. Chương trình đã mang đến những góc nhìn độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, cũng như hành trình kiến tạo đầy cảm hứng qua các công trình thú vị. Tạp chí Kiến trúc với vai trò là đơn vị bảo trợ truyền thông trân trọng chia sẻ tới bạn đọc nội dung chia sẻ độc quyền từ Kiến trúc sư Marco Casamonti.
PV: Các thiết kế của ông thường kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Ông có thể chia sẻ cách ông duy trì sự cân bằng này trong các dự án ở các bối cảnh văn hóa khác nhau, đặc biệt là tại Việt Nam?
KTS Marco Casamonti: Những từ quan trọng nhất trong cuộc sống là truyền thống và đổi mới. Truyền thống là nơi chúng ta đến, nơi chúng ta sinh ra, cách chúng ta có thể kết nối với kiến thức và đồng thời, cách chúng ta có thể tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới. Nhưng sự đổi mới cũng không tồn tại trong những ý tưởng mới nếu bạn không hiểu biết rõ ràng về kiến thức, về kinh nghiệm của chúng ta. Vì vậy, tôi muốn kết hợp hai yếu tố này.
Bí mật và linh hồn của thời kỳ Phục hưng là thời kỳ các kiến trúc sư và nghệ sĩ giỏi nhất nghiên cứu kiến trúc và nghệ thuật cổ điển, và truyền tải những ý tưởng này tới thời đại mới. Điều đó rất quan trọng, không có ý tưởng mới nào mà không dựa trên kiến thức trước đó. Đó là ý nghĩa của mối quan hệ giữa truyền thống và sự đổi mới.
PV: Dự án “Cầu Hôn” tại Phú Quốc là một công trình độc đáo. Ông có thể chia sẻ thêm về cảm hứng và quá trình thiết kế công trình này không?
KTS Marco Casamonti: Cầu Hôn cũng giống như vậy. Khi tôi ở Đảo Phú Quốc, tôi đến thăm vịnh và tôi hiểu ngay rằng chúng ta cần tạo ra một cái gì đó đặc biệt. Nhưng để tạo ra một cái gì đó mới, ý tưởng xuất phát từ tác phẩm Sistine Chapel với hai ngón tay của Michelangelo cho chúng tôi ý tưởng rằng năng lượng cũng truyền đi khi bạn không chạm vào nhau. Đó là ý tưởng, bạn có thể đến cây cầu, nơi tạo ra trải nghiệm về tình yêu, hòa bình và tình bạn được chia sẻ. Bạn có thể ở giữa biển, bạn không cần phải đi qua phần bên kia của cây cầu, bạn có thể qua cầu bằng tâm trí, bằng mong muốn, bằng năng lượng của mình. Đây là triết lý thiết kế câu cầu. Bạn có thể đi bộ trên đảo nếu bạn muốn, vì vậy đây là cây cầu để chúng ta đi qua bằng mong muốn và ước mơ của mình trong tương lai
PV: Trong cuốn sách “Tribute: Architecture as a Form of Dialogue”, ông nhấn mạnh về giao tiếp giữa kiến trúc sư và khách hàng. Ông có thể chia sẻ một ví dụ cụ thể về cách giao tiếp này đã ảnh hưởng đến một dự án của ông như thế nào không?
KTS Marco Casamonti: Chúng tôi giới thiệu Cầu Hôn trong triển lãm tại phòng trưng bày ở Paris gần đây. Và đối với chúng tôi, triển lãm này rất quan trọng vì chúng tôi cho rằng vai trò và giá trị của chúng trong nghệ thuật là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là các vai trò và giá trị của khách hàng. Nếu bạn không có khách hàng tốt, họ sẽ không có khát vọng về kiến trúc/nghệ thuật.
Kiến trúc có thể là phương tiện diễn giải mong muốn của người khác. Vì vậy, chúng tôi, những kiến trúc sư, không thể quyết định chúng tôi có thể xây cái gì hay xây như thế nào. Kiến trúc sư là người diễn giải yêu cầu và mong muốn của người khác. Vì vậy, khách hàng chiếm 50% giá trị của nghệ thuật và kiến trúc. Điều này cũng có trong lịch sử, sẽ không có Michelangelo nếu không có giáo hoàng Julio Secondo. Nếu bạn không có khách hàng, đối với một người nghệ sĩ, bạn không thể trở thành người diễn giải yêu cầu của người khác
PV: Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và xu hướng bền vững, ông nhìn nhận vai trò của kiến trúc trong tương lai như thế nào?
KTS Marco Casamonti: Tôi nghĩ rằng trong tương lai, kiến trúc, giống như trong quá khứ, có một giá trị rất quan trọng. Trước hết vì chúng ta xây dựng rất nhiều trên khắp thế giới. Và khi chúng ta xây dựng, chúng ta phá hủy thiên nhiên, đó là điều hiển nhiên. Và nếu chúng ta cảm thấy có trách nhiệm cần xây dựng cuộc sống cho con người, nhưng đồng thời, chúng ta cần tăng và cải thiện số lượng và chất lượng của thiên nhiên. Vì vậy chúng ta cần xây dựng nơi ở nhân tạo cho con người, nhưng đồng thời chúng ta cần xây dựng lại thiên nhiên, hoặc tốt hơn là chia sẻ kiến trúc giữa các yếu tố nhân tạo và tự nhiên với nhau, đó là tương lai, chúng ta không thể làm việc mà không có góc nhìn này.
PV: Trong quá trình làm việc ở Việt Nam, ông có nhận thấy những đặc điểm văn hóa hoặc thách thức nào đặc biệt mà ông đã phải thích nghi không? Làm thế nào để những yếu tố này ảnh hưởng đến cách tiếp cận thiết kế của ông?
KTS Marco Casamonti: Tôi nghĩ rằng khái niệm này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là ở Việt Nam. Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp, bờ biển đẹp, biển đẹp, thiên nhiên tươi đẹp, nhưng hiện nay có rất nhiều điều đang diễn ra tại Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần kết hợp khả năng tạo ra không gian cho cuộc sống của con người, nhưng đồng thời bảo vệ môi trường, vẻ đẹp của thiên nhiên. Tôi đã đến thăm rất nhiều nơi đẹp, ví dụ như Vịnh Hạ Long. Đây là một nơi thú vị, làm sao chúng ta có thể bảo tồn môi trường nhưng đồng thời vẫn cho phép phát triển du lịch. Sự cân bằng này cực kỳ quan trọng đối với tương lai của thế giới và tương lai của Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi có một số dự án ở Việt Nam và điều quan trọng là các dự án này phải đi đúng hướng này. Hướng đến bảo tồn lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của đất nước. Và đồng thời chuyển giao bản sắc văn hóa này theo tầm nhìn mới và đương đại. Vì vậy, đó là sự cân bằng giữa truyền thống và đổi mới cũng như sự cân bằng giữa nhân tạo và thiên nhiên, đó là những gì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được ở Việt Nam.
Thực hiện: Ánh Dương – Lê Khanh
© Tạp chí Kiến trúc